• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.271,29 +1,40/+0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:25:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.271,29   +1,40/+0,11%  |   HNX-INDEX   226,17   +0,67/+0,30%  |   UPCOM-INDEX   91,78   +0,05/+0,05%  |   VN30   1.350,37   +1,45/+0,11%  |   HNX30   488,23   +1,02/+0,21%
23 Tháng Mười 2024 2:26:36 CH - Mở cửa
PAN: Họp ĐHĐCĐ - Doanh thu thuần 2019 dự kiến tăng 34%
Nguồn tin: Người đồng hành | 26/04/2019 4:40:38 CH
Ngày 26/4, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (The PAN Group, HoSE: PAN) đã tổ chức họp ĐHCĐ tại TP HCM.
 
Mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất tăng 34% trong 2019, tiếp tục tăng vốn điều lệ
 
Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần hợp nhất 10.513 tỷ đồng, tăng 34% so với năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt đạt 644 tỷ đồng và 562 tỷ đồng. HĐQT cũng đề xuất phương án chia cổ tức 10% mệnh giá nếu tập đoàn đạt kế hoạch.
 
Nhằm bổ sung vốn lưu động, thu hút nhân sự có trình độ cao và tăng tính gắn bó của cán bộ nhân viên chủ chốt, tập đoàn dự kiến phát hành thêm 3 triệu cổ phiếu ESOP trong năm nay cho thành viên HĐQT, nhân sự chủ chốt và các công ty con, công ty liên kết của PAN với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là loại cổ phiếu phổ thông, hạn chế chuyển nhượng 100% trong 2 năm đầu và 50% còn lại trong năm thứ 3 kể từ ngày phát hành.
 
Bên cạnh đó, PAN cũng dự kiến phát hành tối đa hơn 43 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của tập đoàn với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong năm nay. Dự kiến, vốn điều lệ của tập đoàn sau phát hành sẽ tăng lên tối đa hơn 2.163 tỷ đồng.
 
Liên quan tới ngành kinh doanh, HĐQT kiến nghị ĐHĐCĐ thông qua việc xóa bỏ ngành “Thăm dò dư luận” của tập đoàn. PAN hiện đăng ký hoạt động kinh doanh trong mã ngành 7320 “Nghiên cứu thị trường và Thăm dò dư luận" (CPC code 864). Tuy nhiên, theo cam kết WTO, Việt Nam không cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành “Thăm dò dư luận” (CPC code 86402). Do đó, để tuân thủ, tập đoàn cần phải xóa bỏ ngành này.
 
Thảo luận
 
- Dòng vốn nhận từ Sojitz đã hỗ trợ PAN như thế nào trong việc hướng tới mục tiêu lợi nhuận 600 triệu USD vào năm 2020? Lợi nhuận dự kiến 2 năm tới không tăng trưởng hoặc tăng tăng chậm trong khi nhận vốn từ Sojitz đã diễn ra từ quý III/2018?
 
- Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch The PAN Group: Định hướng của The PAN Group là hướng tới một tập đoàn hàng đầu về nông nghiệp và thực phẩm. Nếu chỉ hợp nhất các công ty và chỉ cộng các kết quả kinh doanh, PAN sẽ không có giá trị nhiều trong việc tạo ra đổi mới của ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam. Sau khi tập đoàn hợp nhất các công ty thành công, việc thứ hai là đầu tư trực tiếp để cung cấp cho các công ty này công nghệ mới, quy trình mới, mở rộng khách hàng, từ đó phát triển bền vững trong tương lai.
 
Về khoản đầu tư của Sojitz, không có 1 dự án nào mà nhận tiền về, đầu tư mà ra ngay kết quả. Khi đầu tư mới, sản xuất chưa ra, khấu hao sẽ rất nhiều. Dự kiến, nhà máy mới của Bibica, Pan Food sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay. Nhà máy giống hiện đại nhất Đông Nam Á cũng sẽ sớm được hoàn thiện. Các dự án sản xuất dầu cá, giống rau, hoa cũng đang được triển khai.
 
Tất cả dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm không thể thể tăng trưởng quá nhanh.
 
- Với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2019, cổ đông đề nghị xem xét việc phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP.
 
- Ông Nguyễn Duy Hưng: ESOP được đưa ra khi tập đoàn quyết định tăng trưởng. Vấn đề là làm sao để lực lượng lao động nhân viên cùng thực hiện chiến lược phát triển của tập đoàn. Không thể lúc nào cũng tăng trưởng như cách M&A. Phát hành ESOP là để gắn quyền lợi và trách nhiệm của người lao động với công ty.
 
Với tập đoàn có 12.000 người lao động, con số 3 triệu cổ phiếu ESOP không phải quá lớn. Đây là một con số vừa phải. Việc ESOP sẽ do ĐHCĐ thông qua.
 
Với danh nghĩa là người điều hành và là cổ đông lớn nhất, quyền lợi của cá nhân tôi cũng giống như các cổ động khác. Tôi nghĩ cần có chính sách này để thu hút những người có tiềm năng nhất đến với tập đoàn, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
 
Lợi nhuận năm 2018 vượt kế hoạch
 
Kết thúc năm 2018, Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã xây dựng được một hệ thống nền tảng vững chắc trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu và M&A thêm các công ty trong ngành. Đây đều là các công ty có nền tảng tốt, tiềm năng tăng trưởng lớn thuộc các lĩnh vực trong điểm, có hệ thống phân phối rộng lớn, đa dạng và có khả năng mở rộng chuỗi giá trị.
 
Đồng thời, tập đoàn cũng chú trọng đẩy mạnh và thực hiện thành công nhiều đợt huy động vốn lớn từ các tổ chức quốc tế, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, mạnh của tập đoàn trong giai đoạn tiếp theo.
 
Đối với các công ty thành viên, tập đoàn tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý sản xuất, quản lý tài chính và xây dựng chiến lược phát triển để cùng nhau thực hiện mục tiêu cao nhất của tập đoàn. Mục tiêu đó là trở thành tập đoàn hàng đầu khu vực trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, truy xuất nguồn gốc cho thị trường trong nước và quốc tế.
 
Kết thúc năm 2018, kinh tế Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua; trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, mức cao nhất giai đoạn 2012 - 2018. Trong bối cảnh đó, PAN tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với năm 2017 với hai mảng kinh doanh cốt lõi là Nông nghiệp và Thực phẩm. Kết quả kinh doanh của tập đoàn đã vượt kế hoạch do ĐHĐCĐ đề ra.
 
PAN.PNG" style="width: 550px; height: 270px;" />
 
Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn đạt 7.828 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 92% so với năm 2017 và đạt 89% so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính của kết quả này là việc chuyển hướng kinh doanh tại công ty thành viên Lafooco. Năm 2018, Lafooco thực hiện tái cấu trúc theo hướng cắt giảm kinh doanh nhân điều, chuyển đổi sang các sản phẩm điều giá trị gia tăng với hàm lượng chất lượng cao. Mặc dù doanh thu đạt được ít hơn nhưng tiềm năng lợi nhuận mang lại lớn hơn và ổn định hơn.
 
Doanh thu từ mảng kinh doanh nông nghiệp (PAN Farm) và thực phẩm (PAN Food) đóng góp lần lượt là 1.619 tỷ đồng (20,6%) và 6.209 tỷ đồng (79,4%). Mảng kinh doanh thực phẩm bao gồm 3 lĩnh vực là bánh kẹo, thủy sản và chế biến thực phẩm. Doanh thu mảng nông nghiệp được đóng góp chủ yếu từ doanh thu của Vinaseed.
 
Cơ cấu doanh thu của Tập đoàn PAN năm 2018 và năm 2017 cho thấy sự chuyển dịch rõ nét trọng tâm phát triển kinh doanh tiếp tục chủ yếu vào ngành nông nghiệp và thực phẩm và đặc biệt là ngành thực phẩm với mức tăng trưởng ấn tượng 143%. Trong năm 2018, Tập đoàn PAN cũng thoái 100% vốn tại PAN Services, chính thức rút khỏi lĩnh vực vệ sinh công nghiệp để tập trung hoàn toàn vào mũi nhọn nông nghiệp và thực phẩm.
 
 
Đồng thời, lợi nhuận hợp nhất trước thuế và lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt lần lượt 637 tỷ và 567 tỷ đồng, lần lượt đạt 102% và 105% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 334 tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch cả năm.
 
Kết quả lợi nhuận vượt kế hoạch kinh doanh nhờ vào việc duy trì được biên lợi nhuận cao tại Vinaseed, SSC, việc kiểm soát tốt chi phí sản xuất, giá thành, và đẩy mạnh các kênh phân phối trong lĩnh vực thực phẩm (PAN Food). Ngoài ra còn có sự đóng góp của hoạt động M&A hiệu quả vào kết quả doanh thu và lợi nhuận trong năm.
 
Lợi nhuận của tập đoàn đạt sự tăng trưởng tốt và vượt kế hoạch do sự tăng trưởng bền vững của lợi nhuận các công ty chủ chốt như Vinaseed (252 tỷ đồng, tăng 9%); Bibica (110 tỷ đồng, tăng 13%). Ngoài ra, còn có sự tăng trưởng đột biến của các công ty thủy sản như Sao Ta (177 tỷ đồng, tăng 56%) và Aquatex Bến Tre (67 tỷ đồng, tăng 139%).
 
Trong giai đoạn 2013 - 2018, PAN duy trì chuỗi tăng trưởng liên tục lợi nhuận hợp nhất trước thuế với mức tăng trưởng bình quân năm 57% với cơ cấu lợi nhuận có xu hướng chuyển dịch sang các ngành kinh doanh trọng tâm: Nông nghiệp và Thực phẩm.
 
 
Trong năm 2018, sau hàng loạt các thương vụ đầu tư, M&A cũng như tăng trưởng tài sản tại các công ty thành viên…, tổng tài sản của tập đoàn PAN đạt 9.439 tỷ đồng, tăng 3.456 tỷ đồng tương đương 158% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản được duy trì hợp lý với tổng nợ phải trả 3.466 tỷ đồng, tương đương 37% tổng tài sản; trong đó nợ ngắn hạn là 1.780 tỷ đồng, nợ dài hạn 1.687 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 5.972 tỷ đồng, tương đương 63% tổng tài sản.
 
Liên quan tới chiến lược đầu tư, trong năm ngoái, tập đoàn tiếp tục thực hiện các kế hoạch đầu tư và M&A trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua công ty con là PAN Farm và PAN Food) với mục tiêu là mua lại hoặc nâng tỷ lệ sở hữu các doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm hàng đầu. Mục tiêu là tạo thành chuỗi liên kết vững mạnh, tận dụng các cơ hội kinh doanh tiềm năng từ các đơn vị thành viên và đối tác.
 
Cụ thể, tập đoàn thực hiện M&A Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC), một công ty có nhiều tiềm năng lớn, đặc biệt là khi hợp tác toàn diện với PAN để cùng hiện thực hóa các lợi thế sẵn có. Kết thúc thời gian chào mua công khai tăng tỷ lệ sở hữu, tập đoàn chính thức sở hữu 41,88% vốn điều lệ VFC từ ngày 9/1. Dự kiến trong năm 2019, Tập đoàn PAN sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại VFC vào thời điểm thích hợp. VFC tiếp tục đạt kết quả lợi nhuận tốt và đóng góp quan trọng vào lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn PAN.
 
Bên cạnh đó, tập đoàn gia tăng sở hữu tại Công ty Cổ phần Thực Phẩm Sao Ta. Tính cả phần sở hữu gián tiếp qua Công ty thành viên Aquatex Bến Tre, tập đoàn hiện sở hữu tổng cộng 63,8% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Thực Phẩm Sao Ta.
 
PAN cũng đầu tư dự án Trung tâm giống tại Đơn Dương, Lâm Đồng của PAN-HULIC. Trên cơ sở hợp tác giữa PAN-HULIC với đối tác Nhật Bản (Jardin) để nhận chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường xuất khẩu với các sản phẩm giống hoa và rau chất lượng cao, PAN-HULIC đã thực hiện đầu tư triển khai dự án xây dựng Trung tâm Giống tại huyện Đơn Dương, Lâm Đồng nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất, nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Dự án được khởi công từ tháng 11/2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4. Tổng giá trị đầu từ cho giai đoạn 1 của dự án dự kiến xấp xỉ 30 tỷ đồng.
 
Tập đoàn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre - Aquatex Bến Tre từ 72,82% thành 78,33%. Ngoài ra, PAN cũng gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần 584 Nha Trang lên 43,2%. Qua đó, PAN Food tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực nước mắm truyền thống.
 
Trong năm 2018, Tập đoàn PAN đã tích cực huy động vốn để tạo sức bật cho tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo. Hoạt động này đạt được thành công với các thương vụ huy động được số vốn lớn và cam kết hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư nước ngoài có uy tín trên thị trường.
 
Tháng 9/2018, PAN hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược là Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản với giá 61.000 đồng/cổ phiếu, thu về 817,4 tỷ đồng. Sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của Tập đoàn PAN tăng từ 1.202 tỷ đồng lên 1.336 tỷ đồng, và Sojitz trở thành cổ đông lớn nắm 10% cổ phần. PAN lựa chọn Sojitz làm đối tác chiến lược, hợp tác hai bên cùng có lợi dựa trên nền tảng nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam để phân phối thị trường trong và ngoài nước.
 
Cũng trong tháng này, PAN hoàn tất phát hành 1.135 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng cho các nhà đầu tư trên thị trường, với sự tham gia bảo lãnh của CGIF (một quỹ tín thác của ADB) trong đợt phát hành lần này. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất cố định 6,8%/năm, thấp hơn đáng kể lãi suất cho vay trên thị trường. Tổng số vốn huy động được là 1.135 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư cho hoạt động kinh doanh thực phẩm đóng gói của Công ty Cổ phần Thực phẩm PAN (PAN Food).
 
Trong quý IV/2018, Tập đoàn PAN cũng phát hành 2.500.000 cổ phiếu ESOP với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2018. Quá trình phát hành được hoàn thành trong tháng 11/2018. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 1.336 tỷ đồng lên 1.361 tỷ đồng vào ngày 28/11/2018.
 
Năm 2019, PAN cần tập trung các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh và nắm bắt các cơ hội M&A tiềm năng. Vì vậy, HĐQT đề xuất ĐHĐCĐ phê duyệt kế hoạch không chi trả cổ tức năm 2018.
 
Thanh Long
Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.