Ngành xi măng tiếp tục rơi vào thế khó khi các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục công bố “sức khoẻ” suy yếu. Dự báo khó khăn trong năm 2025 còn kéo dài, và điều này sẽ tác động kém tích cực đến sự vận động của nhóm cổ phiếu xi măng.
Dù mới bước chặng đường đầu tiên của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2024 nhưng có thể thấy đa phần các doanh nghiệp xi măng đã công bố báo cáo tài chính đều ghi nhận kết quả kém tích cực.
"Rủ nhau"... báo lỗ
Điển hình, trong quý IV/2024, CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) ghi nhận doanh thu thuần gần 506 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn tăng mạnh hơn với 12%, lên mức 428,1 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 10%, chỉ còn 77,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp cũng không đủ bù đắp các chi phí, khiến công ty báo lỗ sau thuế 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 5,3 tỷ đồng.
Cả năm 2024, Xi măng Vicem Hoàng Mai đạt gần 1.710 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2% so với năm 2023, nhưng lỗ ròng tới 67 tỷ đồng (năm trước lỗ 31 tỷ đồng). Với khoản lỗ này, lỗ luỹ kế đến cuối năm 2024 của công ty đã lên đến 92,4 tỷ đồng.
Đa số các doanh nghiệp xi măng tiếp tục báo cáo kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý IV/2024.
Chung cảnh ngộ, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS) báo cáo doanh thu thuần quý IV đạt xấp xỉ 770 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gộp gần 17 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí, Vicem Bút Sơn lỗ sau thuế gần 76 tỷ đồng, gấp đôi khoản lỗ hơn 32 tỷ đồng trong quý IV/2023.
Tính chung cả năm 2024, dù doanh thu thuần tăng nhẹ so với năm 2023, lên 2.609,6 tỷ đồng, nhưng Vicem Bút Sơn lỗ ròng tới 198 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ hơn 96 tỷ đồng cùng kỳ. Khoản lỗ năm 2024 cũng nâng lỗ luỹ kế của công ty lên xấp xỉ 288 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ năm 2024, với dự báo khó khăn sẽ còn bủa vây ngành xi măng, Vicem Bút Sơn đưa ra kế hoạch kinh doanh 2024 khá "bi quan" với tổng doanh thu gần 2.715 tỷ đồng, tăng gần 4% so với 2023, song lỗ ròng gần 111 tỷ đồng. Như vậy, mức lỗ cả năm của công ty đã vượt quá dự kiến.
Tương tự, CTCP Xi măng Vicem Hải Vân (HVX) ghi nhận doanh thu thuần quý IV đạt hơn 86 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ 83,6 tỷ đồng giá vốn hàng bán, công ty lãi gộp gần 3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 17 tỷ đồng), song chưa đủ bù đắp các chi phí khiến vẫn lỗ sau thuế 6,3 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 30 tỷ đồng cùng kỳ. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp, công ty báo lỗ kể từ quý II/2023.
Luỹ kế năm 2024, doanh thu thuần của Vicem Hải Vân đạt gần 348 tỷ đồng, giảm 32% so với năm trước, lỗ ròng hơn 44 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ hơn 64 tỷ đồng năm 2023. Lỗ luỹ kế đến cuối 2024 của Vicem Hải Vân là 96,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1) đi ngược dòng khi báo lãi hơn 21 tỷ đồng trong quý IV/2024, nhưng vẫn giảm đến 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế cả năm 2024, dù doanh thu thuần của Vicem Hà Tiên giảm 2%, còn 6.884 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 65,2 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ chỉ đạt 18 tỷ đồng. Với mục tiêu đạt 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2024, công ty đã vượt xa kế hoạch năm.
Khó vẫn chồng khó
Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung xi măng toàn quốc năm 2024 đạt khoảng 122 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 60 triệu tấn, xuất khẩu giảm so với năm trước, dẫn đến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh gay gắt, giá bán giảm...
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như điện, than...; nguyên liệu sản xuất duy trì ở mức cao khiến chi phí sản xuất ngày càng tăng mạnh. Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án xây dựng từ nguồn đầu tư công tư công chậm giải ngân, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ của xi măng trong nước.
Không chỉ vậy, nhu cầu tiêu thụ xi măng, clinker sụt giảm, tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà máy trong hệ thống của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) phải dừng lò, giảm công suất, thời gian huy động thiết bị so với kế hoạch, để hạn chế đổ clinker ra bãi.
Chưa kể thị trường bất động sản còn trầm lắng, nhiều công trình xây dựng, dự án trọng điểm chậm triển khai, phải hoãn, giãn tiến độ. Xây dựng dân sinh cũng kém đi nhiều, cộng với nguồn cung vốn đã dư thừa gấp đôi so với nhu cầu lại được tiếp thêm bằng dự án mới đưa vào vận hành, nhiều nhà sản xuất cạnh tranh gay gắt, giảm giá bán…, khiến xi măng thiếu đầu ra trầm trọng.
Đối với kênh xuất khẩu - "lối thoát” lý tưởng cho ngành xi măng những năm gần đây - đã giảm từ 45 triệu tấn vào năm 2022 xuống còn 29,7 triệu tấn vào năm 2024.
Đó là những yếu tố chính khiến bức tranh lợi nhuận của nhóm ngành xi măng chìm trong gam màu xám khi tiếp tục thông báo thua lỗ hoặc sụt giảm mạnh.
Dự báo về thị trường xi măng năm 2025, Vicem cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nguồn cung vượt xa cầu. Trong khi nguồn cung xi măng dự báo cho năm 2025 khoảng 124,75 triệu tấn thì nhu cầu sử dụng mặt hàng này tại thị trường nội địa chỉ khoảng 62,5 - 63,5 triệu tấn.
Bên cạnh đó, giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tiếp tục duy trì ở mức cao. Những yếu tố khó khăn đã khiến nhiều công ty sản xuất xi măng cạnh tranh gay gắt về giá bán để duy trì thị phần và gia tăng sản lượng tiêu thụ.
Chưa kể các tín hiệu về sự nóng lên của thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2025 vẫn chưa rõ ràng, phân khúc tiêu thụ dân sinh chưa trở lại như những năm trước, tiến độ của các dự án, công trình trọng điểm vẫn chậm, nên thị trường tiêu thụ của xi măng vẫn hạn chế.
Với xuất khẩu, việc gia tăng rào cản thương mại tại nhiều nền kinh tế, như Đài Loan điều tra chống bán phá giá với xi măng Việt Nam, Philippines ngoài áp thuế chống bán phá giá, còn đang điều tra tự vệ, cạnh tranh từ các quốc gia dư thừa xi măng như Indonesia, Thái Lan với lợi thế hơn hẳn Việt Nam về giá bán lẫn chi phí vận chuyển thấp… tiếp tục làm khó các nhà sản xuất Việt Nam.
“Năm 2025, tình hình thế giới khả năng vẫn diễn biến phức tạp, do ảnh hướng của xung đột địa - chính trị, một số quốc gia trên thế giới có thể xảy ra khủng hoảng, suy thoái kinh tế. Điều đó sẽ tác động đến kinh tế trong nước và ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng của Việt Nam, trong đó, lĩnh vực xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành xi măng chịu ảnh hưởng nhiều nhất”, Bộ Xây dựng nêu.
Do đó, đối với nhóm cổ phiếu xi măng, các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư nên chờ cơ hội khi hoạt động xây dựng được cải thiện hơn nữa.
Thực tế, ngành xi măng trong các năm gần đây đang gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, nhưng nếu tình hình ngành tích cực thì đây là nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư nên theo dõi.
Các doanh nghiệp xi măng hầu hết là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Vì vậy, nhà đầu tư có quyền kỳ vọng vào chính sách đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nếu hồi sinh được thì cổ phiếu ngành xi măng sẽ rất hấp dẫn vì đang có định giá khá rẻ.
Hơn nữa, trong những giai đoạn kinh doanh tốt, các doanh nghiệp xi măng như Vicem Hà Tiên, Xi măng Bỉm Sơn (BCC), Vicem Bút Sơn, Xi măng Hoàng Mai (HOM)… đều chia cổ tức đều đặn, đây cũng là điều hấp dẫn nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, trong khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thì lịch sử chia cổ tức rất quan trọng, vì nhà đầu tư phải yên tâm về nội tại của doanh nghiệp trước khi kỳ vọng vào tương lai của doanh nghiệp đó.
Hải Giang-Link gốc