Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo cập nhật về CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE:
VNM). Đơn vị này dự báo Vinamilk sẽ đạt doanh thu thuần 56.502 tỷ đồng trong 2019, tăng 7,5% và lãi ròng 10.441 tỷ đồng, tăng 2,3%. EPS 2019 ước tính là 5.395 đồng/cp tương ứng với P/E dự phóng 24,5 lần.
Doanh thu nội địa dự báo tăng 8,1%, trong đó giá bán bình quân giả định tăng 2% và sản lượng tăng 5-6%. Doanh thu xuất khẩu tăng 6,4%, trong đó xuất khẩu công ty mẹ cao hơn 3% và doanh thu nhóm Angkor và Driftwood tăng 11%.
Biên lợi nhuận gộp hợp nhất giảm 0,6% còn 46,1% trên cở sở ước tính chi phí sữa bột bình quân của Vinamilk sẽ tăng khoảng 7-8% trong năm 2019.
Tính đến nay, Vinamilk chỉ mới chốt giá sữa bột cho sản xuất đến tháng 8/2019 (ước tính thời điểm chốt từ tháng 11/2018 trở đi). Trong khi đó, BVSC quan sát thấy giá giá sữa nguyên kem (WMP) và sữa gầy (SMP) đều tăng hơn 15% kể từ đầu năm.
Theo báo cáo của Rabobank, tiếp nối quý IV/2018, nguồn cung sữa của 7 khu vực sản xuất lớn nhất (bao gồm New Zealand, Úc, Mỹ , EU…) tăng chậm trong quý I do thời tiết kém thuận lợi, trong khi nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 2 chữ số đã tạo áp lực đẩy giá WMP và SMP nói chung.
Tình hình này được cho là sẽ kéo dài đến hết năm 2019 trước khi cải thiện trong 2020. Tỷ lệ chi phí bán hàng, tổng hợp và hành chính (SG&A) trên doanh thu duy trì ở mức 23% như năm 2018. Đây là mục tiêu mà Vinamilk hướng tới trong 2019.
Thuế suất bình quân giả định tăng từ 15,6% lên 16,5% - ngang bằng với tỷ lệ trong quý I, chủ yếu do ưu đãi thuế tại các nhà máy dần hết. BVSC ước tính tỷ lệ này sẽ tăng dần về 20% đến năm 2023.
Tìm kiếm lời giải cho bài toán tăng trưởng
BVSC cho rằng ngành sữa nói chung tăng bình quân 5%/năm thời gian tới. Trong khi đó, Vinamilk đã đứng đầu ngành với thị phần 60% nên việc duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn trước là điều rất khó. Vì vậy, Vinamilk đã và sẽ tiếp tục cân nhắc các giải pháp về M&A, cao cấp hoá sản phẩm, đa dạng hoá đối tượng khách hàng và xuất khẩu để tiếp tục có thể mang lại tăng trưởng.
Việc chào mua công khai GTNfood là một trong những bước đầu trong việc tiếp tục củng cố vị thế tại thị trường nội địa của Vinamilk. GTNfood đang nắm giữ 74,5% Vilico và qua đó gián tiếp sở hữu 38% tại Sữa Mộc Châu (MCM) – thương hiệu có lịch sử lâu đời và quen thuộc tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Ngoài ra, Sữa Mộc Châu còn sở hữu đàn bò sữa hơn 23.000 con tại khu vực Mộc Châu – đây có thể là tiền đề để Vinamilk phát triển các dòng sản phẩm sữa tươi cao cấp phục vụ cho thị trường miền Bắc và xa hơn là xuất khẩu. Tuy nhiên, BVSC cũng nhận định rằng sau khi thương vụ thành công thì kết quả kinh doanh của Vinamilk cũng sẽ chưa có những thay đổi đáng kể do lợi nhuận của GTNfoods so với Vinamilk là rất thấp - 8 tỷ đồng so với 10.227 tỷ đồng vào năm 2018.
Những năm gần đây, Vinamilk đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới thuộc phân khúc cao cấp như sữa Organic, sữa A2, sữa chua ProBeauty, sữa chua Hy Lạp... Đây là điều mà BVSC đánh giá cao khi thu nhập bình quân càng cải thiện thì nhu cầu sản phẩm của người tiêu dùng sẽ càng đa dạng và những đòi hỏi sẽ càng phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, công ty cũng nhằm tới đối tượng khách hàng tuổi "teen" với các sản phẩm như nước uống dinh dưỡng Vinamilk Power và sữa chua Yomilk. Ngoài ra Vinamilk cũng trải đều sản phẩm mới của mình ở các phân khúc ngoài sữa bò như nước dừa CoCo Fresh, sữa đậu nành hạt Óc Chó, nước trái cây V-Fresh, nước đóng chai Icy...
Về xuất khẩu, Vinamilk cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội M&A các công ty ở nước ngoài để tấn công vào các thị trường trong khu vực như Myanmar, Indonesia và Trung Quốc.
Đặc biệt thời gian gần đây, việc Nghị định thư về việc xuất khẩu sữa từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết đang mở ra cơ hội để xuất khẩu sản phẩm sữa chính ngạch sang nước này. BVSC cho rằng Trung Quốc là một thị trường rất lớn và đang tăng trưởng nhanh, riêng trong năm 2018 nước này đã nhập khẩu hơn 10 tỷ USD sữa và các sản phẩm từ sữa.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.