Kế hoạch của Trung Quốc nhằm thống trị các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, phương tiện không người lái… đã khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump phải hành động, trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc đã phàn nàn suốt nhiều năm về tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ.
Một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ đang dần thành hình với việc Mỹ liệt Huawei, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, vào danh sách đen. Dưới đây là tỷ số “trận đấu thương mại” Mỹ - Trung.
Những công ty công nghệ giá trị nhất
Mỹ đã tạo ra những công ty công nghệ giá trị nhất trên thế giới, dẫn đầu trong các lĩnh vực như phần mềm, điện thoại thông minh, thương mại điện tử, tìm kiếm và mạng xã hội.
Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc mới chỉ trỗi dậy trong 5 năm qua, Tencent và Alibaba là hai cái tên đang vươn lên trong bảng xếp hạng toàn cầu. Vốn hóa không chỉ là thước đo giá trị thị trường mà còn cho thấy khả năng tài chính của công ty trong các thương vụ mua lại, tuyển dụng nhân tài, tăng vốn và đầu tư vào công nghệ mới.
Những công ty công nghệ có vốn hóa thị trường lớn nhất.
Nền tảng internet
Mỹ từ lâu đã là thị trường internet lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới. Trung Quốc lại có lợi thế dân số đông, cho phép họ vượt qua Mỹ. Gã khổng lồ châu Á hiện có lượng người dùng diện thoại di động nhiều gấp 4 lần Mỹ, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tại nhiều lĩnh vực, từ thanh toán điện tử, tin nhắn tới trò chơi và thanh toán trực tuyến.
Số lượng người dùng mạng không dây tại Mỹ và Trung Quốc qua các năm.
Khoảng cách thu nhập
Trong khi Trung Quốc có lợi thế về số lượng người dùng, người tiêu dùng Mỹ lại có sức chi tiêu lớn hơn nhiều với GDP bình quân đầu người cao gấp gần 7 lần. Điều này tạo ra môi trường giàu tiềm năng để các công ty công nghệ Mỹ tăng doanh thu, phát triển sản phẩm tiếp theo hoặc đơn giản là chốt lời.
GDP bình quân đầu người của Mỹ và Trung Quốc giai đoạn 2008 - 2018.
Nguồn vốn
Mỹ phát minh ra mô hình đầu tư vốn mạo hiểm và dùng mô hình này để tạo ra nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đang dần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về vốn, dẫn đến sự trỗi dậy của hàng loạt start-up trị giá 1 tỷ USD – gọi là “kỳ lân” – ở nước này.
Quy mô vốn đầu tư mạo hiểm tại Mỹ và Trung Quốc qua các năm.
Cạnh tranh về chip
Chất bán dẫn là sức mạnh tính toán cơ bản trong cách mạng công nghệ. Các công ty Mỹ đang có lợi thế về khía cạnh này, kiểm soát hầu hết tài sản trí tuệ và áp đảo những đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc về sản lượng.
HiSilicon, đơn vị sản xuất chip của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, có doanh thu 7,6 tỷ USD trong năm 2018, theo ước tính từ Sanford C. Bernstein. Con số này chỉ bằng 1/10 doanh thu của Intel.
Các công ty bán dẫn của Trung Quốc còn phụ thuộc vào phần mềm từ Cadence và Synopsys, trụ sở Mỹ, để thiết kế, thiết bị từ Applied Materials và Lam Research để sản xuất chip.
Doanh thu của Intel và HiSilicon qua các năm.
5G và tương lai viễn thông
Những nhà sản xuất thiết bị viễn thông Mỹ đang mất dần vị thế trong hai thập kỷ qua. Ngành công nghiệp này hiện bị chi phối bởi ba công ty cung ứng, trong đó Huawei mạnh nhất – đang thống trị trong phát triển công nghệ 5G mà các hãng viễn thông trên thế giới sắp triển khai.
Thị phần hạ tầng di động toàn cầu năm 2018.
Nhân tài
Trung Quốc vẫn đang cố đuổi kịp Mỹ về số lượng nhân tài. Đến cuối năm 2017, Mỹ có hơn 28.000 chuyên gia về trí tuệ nhân tạo trong khi Trung Quốc chỉ có 18.000 người, theo ước tính từ Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Thanh Hoa.
Tuy nhiên, khoảng cách này đang dần thu hẹp. Báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết trong năm 2016, Trung Quốc có 4,7 triệu người tốt nghiệp các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học (STEM) trong khi con số này ở Mỹ chỉ là 568.000 người.
Sự phân bổ nhân tài trên thế giới năm 2017.
Sức mạnh sản xuất
Trong hai thập kỷ qua, Apple và các công ty công nghệ hàng đầu khác của Mỹ đã chuyển sản xuất và lắp ráp sang Trung Quốc. Foxconn, tham gia sản xuất iPhone, có lúc sử dụng 1 triệu lao động trong thời gian cao điểm. Người lao động Mỹ có năng suất cao hơn và tiếp tục lo các mảng công nghệ nhạy cảm, như sản phẩm hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vượt xa Mỹ về giá trị gia tăng trong sản xuất.
Giá trị gia tăng trong sản xuất của Mỹ và Trung Quốc qua các năm.
Như Tâm/Theo Bloomberg
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.