Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) công bố báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh (KQKD) của 681 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trong quý II/2019. Theo đó, KBSV cho biết KQKD quý II khả quan hơn so với quý I và tốt hơn so với kì vọng của thị trường. Cụ thể, 356 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận (chiếm 52%). Tổng doanh thu trên cả 2 sàn tăng trưởng 11%, qua đó giúp lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng 13,5%.
Dù có những chuyển biến tích cực, KBSV vẫn thận trọng trong đánh giá KQKD của cả năm 2019. Phân khúc bất động sản vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức do tín dụng bất động sản vẫn bị siết chặt tại nhiều ngân hàng (vốn vay ngắn hạn cho vay trung hạn giảm từ 45% xuống còn 40% và hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản tăng từ mức 150% lên 200%), gây ra một số khó khăn trong huy động vốn kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này. Bởi vậy, KBSV giữ nhận định trung lập vào tăng trưởng của phân khúc này trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất sẽ chịu áp lực lớn từ việc giá xăng, dầu và than tăng mạnh trong năm nay. Cùng với đó, việc điều chỉnh giá điện tăng ở quý I sẽ tạo thêm gánh năng chọ các doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lượng điện năng như phân khúc thép, dệt may, xi măng...
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngân hàng ở mức thấp hơn so với những năm trước - ở mức 14% và việc siết tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro sẽ là những rào cản, khiến lợi nhuận ngân hàng khó đạt được đột biến mạnh, dù KBSV vẫn tích cực với kết quả kinh doanh chung của toàn ngành. Báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn trong việc tăng tín dụng ở một số ngân hàng quốc doanh lớn, gồm có Agribank, BIDV, Vietinbank do vướng mắc trong việc tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ CAR. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lãi suất cho vay giảm 0,5%/năm cho những doanh nghiệp ở những lĩnh vực ưu tiên ở một số ngân hàng lớn (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, Techcombank) sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới NIM của ngân hàng trong 6 tháng cuối năm.
Một rủi ro khác đến từ việc cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc do nhân dân tệ mất giá mạnh và việc hàng hóa Trung Quốc tìm thị trường thay thế khi bị Mỹ áp thuế.
Với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn duy trì ở mức cao (6,6%-6,8%), các chỉ tiêu vĩ mô duy trì ổn định (lạm phát bình quân giảm dưới 4%; tỷ giá mất giá 2%-2,5%), kết hợp với dự phóng tăng trưởng ở nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn, lợi nhuận các doanh nghiệp trên 2 sàn dự báo tăng trưởng 11% cho năm 2019 (thấp hơn mức 13%-15% giai đoạn 2015-2016). Đối với sàn HSX, tăng trưởng lợi nhuận ước tính giảm xuống 10% với tăng trưởng EPS giảm xuống 7% so với cùng kỳ.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.