Trong 6 tháng, cho vay khách hàng của các ngân hàng tiếp tục tăng. Nhiều đơn vị đã gần tiếp cận chỉ tiêu tín dụng được NHNN giao trong 2019. Điển hình như cho vay khách hàng của Techcombank đã tăng 16% gần chạm chỉ tiêu được NHNN giao (17%), đứng thứ hai về mức tăng trưởng tín dụng trong hệ thống.
MB và VPBank ghi nhận cho vay khách hàng cao hơn gần 12% so với đầu năm. Hai ngân hàng này được giao NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần lượt là 17% và 16%.
Trong số nhà băng công bố được nới tín dụng, ACB là ngân hàng còn nhiều "room" nhất khi tăng trưởng cho vay chỉ gần 9% nửa đầu năm dù chỉ tiêu được cho phép là 17% cả năm.
Một số chỉ tiêu của các nhà băng được NHNN giao. Nguồn: Tổng hợp.
Nếu tính theo chỉ tiêu đầu năm, tăng trưởng dư nợ của TPBank và Sacombank đã vượt con số NHNH được giao.
Sacombank tín dụng tăng 9%, trong khi đầu năm được giao chỉ 7%. Chia sẻ với Người Đồng Hành, một lãnh đạo ngân hàng cho biết đã được NHNN nới "quota" nhưng vị này không tiết lộ con số cụ thể.
Trong khi đó, TPBank ghi nhận tăng trưởng cho vay 15% sau 6 tháng, vượt chỉ tiêu ban đầu là 13%. Ngân hàng từng cho biết trình NHNN nới chỉ tiêu tín dụng lên 20%, tuy nhiên chưa công bố con số cụ thể sau điều chỉnh.
Ngoài ra, VIB, nhà băng đứng đầu tăng trưởng cho vay trong nửa đầu năm với 19%, cũng chưa tiết lộ con số cụ thể được NHNN giao. Năm 2019, ngân hàng này đặt mục tiêu tín dụng tăng 35%, trên cơ sở là một trong những đơn vị đầu tiên đạt chuẩn Basel II theo yêu cầu của NHNN.
Nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng khá cao trong nửa đầu năm, lên đến 10-12% như SHB, VPBank, HDBank và MSB.
Ở khối các ngân hàng quốc doanh, Vietcombank tăng trưởng dư nợ 9,8%, trong khi kế hoạch cả năm là 15%, mức cao nhất trong nhóm Big 4. Trong khi đó, BIDV tăng 7,5% trên tổng chỉ tiêu được giao là 12%. Riêng VietinBank chỉ tăng 2,4% dư nợ, trong khi chi tiêu cả năm phụ thuộc vào quá trình tăng vốn và thực hiện chuẩn Basel II.
ABBank là trường hợp cá biệt trong nhóm các ngân hàng khi ghi nhận tăng trưởng dư nợ âm 5% trong 6 tháng, dừng ở mức 48.933 tỷ đồng. Năm nay, nhà băng này đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 10%.
Cho vay khách hàng của các ngân hàng. Nguồn: FiinPro, tổng hợp. Đơn vị: tỷ đồng, %
Từ đầu năm, NHNN có những động thái kiểm soát dòng vốn tín dụng ra nền kinh tế bằng việc đặt chỉ tiêu tăng tưởng toàn ngành ở mức 14%, thấp hơn năm 2018. Tuy nhiên, sau nửa năm, trước tình trạng một số nhà băng chạm trần chỉ tiêu tín dụng được giao, NHNN lại có một số động thái “bật đèn xanh” khi nới thêm chỉ tiêu cho một số ngân hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng, NHNN cho biết các ngân hàng lớn hiện không còn mở rộng cho vay. Do đó, việc tăng tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ nếu có cũng không đáng kể. Quan điểm nhất quán là tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn, không để phát sinh nợ xấu. Các ngân hàng cho vay vượt chỉ tiêu được cấp là vi phạm, sẽ không được nới hạn mức.
Chia sẻ với Người Đồng Hành, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết nguồn thu chính của các ngân hàng hiện nay chủ yếu từ lãi cho vay. Do đó, càng sớm giải ngân ra thị trường, ngân hàng càng có thể thu về lợi nhuận cao hơn và sớm hơn, cũng là lý do tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng cao trong 6 tháng đầu năm.
Nhận định về triển vọng nửa cuối năm trong bối cảnh nhiều ngân hàng đã dùng gần hết “room” tín dụng, ông nói chắc chắn việc hạn chế tăng trưởng cho vay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Hoạt động cho vay sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, nếu xét trong hạn mức mà NHNN giao, việc đẩy tín dụng từ đầu năm sẽ là lựa chọn tối ưu của các nhà băng. Phần “room” tín dụng còn lại của năm, các ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng NHNN có sẽ nới thêm “quota” tín dụng cho một số ngân hàng được đánh giá là phát triển lành mạnh và đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II của NHNN vào nửa cuối năm.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.