Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng gần 0,5% về cuối phiên 2/1, sau khi tăng 5,6% trong tháng cuối cùng của năm 2019. Hầu hết chỉ số lớn trong khu vực đều tăng điểm, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Trung Quốc - Hong Kong.
Shanghai Composite và Shenzhen Composite của Trung Quốc lần lượt tăng 1,1% và 1,9%. Hang Seng của Hong Kong tăng 353 điểm, tương đương 1,2%.
Cổ phiếu tại Trung Quốc bật tăng nhờ ngân hàng trung ương nước này quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với ngân hàng thương mại 50 điểm cơ bản từ ngày 6/1. Động thái này của PBOC cũng đồng nghĩa bơm vào hệ thống tài chính khoảng 800 tỷ nhân dân tệ (115 tỷ USD).
Đồng thời, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cho thấy thêm dấu hiệu tích cực với lĩnh vực sản xuất duy trì được đà tăng trưởng. PMI sản xuất theo Markit/Caixin đạt 51,5 điểm trong tháng 12, dù giảm so với tháng trước và thấp hơn kỳ vọng của giới chuyên gia.
Cổ phiếu tại Đông Nam Á cũng tăng điểm khi mở phiên đầu tiên của năm 2020. Straits Times của Singapore và SET 50 của Thái Lan tăng 0,9%, KLCI của Malaysia tăng 0,8%.
Kospi của Hàn Quốc giảm 1% do cổ phiếu nặng ký Hyundai Motor giảm hơn 2%. Về kinh tế, xuất khẩu tháng 12 của Hàn Quốc giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, ASX 200 của Australia tăng 0,1%. Ở chiều ngược lại, NZX 50 của New Zealand giảm 0,5%.
Thị trường tài chính Nhật Bản tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ trong hôm nay.
Giới đầu tư giao dịch với tâm lý tích cực một phần nhờ phát biểu của Tổng thống Donald Trump về thời gian ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc. Ngày 31/12, ông Trump nói sẽ ký thỏa thuận với Trung Quốc tại Nhà Trắng vào ngày 15/1. Trước đó, South China Morning Post cũng đưa tin rằng Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ sang Washington để ký thỏa thuận.