S&P 500 đã tăng 8% kể từ đầu năm, Nasdaq tăng hơn 30% trong cùng giai đoạn.
Đà tăng xảy ra bất chấp đại dịch Covid-19 tạo ra cú sốc mạnh đến kinh tế Mỹ nói riêng, kinh tế thế giới nói chung.
”Giá tài sản có nguy cơ điều chỉnh mạnh hoặc xuất hiện những biến động định kỳ”, chuyên gia tại IMF cảnh báo.
Phố Wall đã thoát đáy tháng 9 và nhìn chung tăng điểm trong năm 2020. S&P 500 tăng 8% kể từ đầu năm, Nasdaq tăng hơn 30% trong cùng giai đoạn. Đà tăng xảy ra bất chấp đại dịch Covid-19 tạo ra cú sốc mạnh đến kinh tế Mỹ.
“Sự mất kết nối vẫn tiếp diễn, ví dụ, giữa thị trường tài chính – nơi vốn hóa thị trường liên tục tăng – và hoạt động kinh tế yếu, triển vọng bất ổn”, Tobias Adrian, giám đốc phòng thị trường tài chính và tiền tệ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.
Ông cảnh báo nếu đà phục hồi kinh tế bị trì hoãn, “sự lạc quan của nhà đầu tư có thể phai nhạt dần”.
“Miễn là nhà đầu tư tin thị trường sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ, định giá tài sản có thể giữ đà tăng trong một thời gian. Tuy nhiên, đặc biệt là khi đà phục hồi kinh tế bị trì hoãn, giá tài sản có nguy cơ điều chỉnh mạnh hoặc xuất hiện những biến động định kỳ”.
Nhà phân tích tài chính Gary Shilling cũng cho rằng nguy cơ từ sự mất kết nối giữa thị trường và nền kinh tế có thể dẫn đến một đợt suy giảm giống như những năm 1930 trên thị trường chứng khoán do kinh tế khó phục hồi hơn so với dự đoán trước đó.
Bình luận của Adrian được đưa ra sau khi IMF ngày 13/10 điều chỉnh dự báo với kinh tế thế giới. Theo đó, kinh tế thế giới dự báo giảm 4,4% trong năm nay, tích cực hơn so với con số giảm 4,9% đưa ra hồi tháng 6 (hiện được điều chỉnh thành giảm 5,2% theo công thức mới).
Quỹ cho rằng xu hướng giãn cách xã hội do Covid-19 còn tiếp tục trong năm 2021 và lây nhiễm cộng đồng bắt đầu giảm vào cuối năm 2022. Tăng trưởng của năm 2021 được điều chỉnh giảm từ 5,4% xuống còn 5,2%.