Liên tiếp phát hành lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn đang khiến CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII
, mã: CII
) phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là áp lực trả nợ trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không mấy tươi sáng.
Tính đến hết tháng 9/2020, tổng dư nợ trái phiếu của công ty mẹ
CII
đạt khoảng 6.615 tỷ đồng. Số dư nợ trái phiếu có kỳ hạn phải trả từ 2 năm trở lên hiện chiếm khoảng 82% tổng dư nợ trái phiếu.
Trong những ngày đầu tháng 11,
CII
cũng công bố một đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị gần 1.200 tỷ đồng, nhưng chỉ bán được 32,98% lượng chào bán (tương đương gần 394 tỷ đồng). Theo dự kiến ban đầu, đợt chào bán này có tổng giá trị 1.600 tỷ đồng.
Kinh doanh giảm sút
Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của
CII
, doanh thu thuần của công ty trong kỳ tăng vọt lên hơn 1.821 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán còn tăng mạnh hơn, khiến lợi nhuận gộp của
CII
chỉ tăng gấp 2 lần cùng kỳ, đạt 337 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp quý này cũng chỉ đạt 19%, trong khi cùng kỳ đạt 31%.
Việc liên tiếp phát hành trái phiếu có thể khiến gánh nặng trả nợ của doanh nghiệp tăng cao trong thời gian ngắn.
Trong quý III/2020, doanh thu hoạt động tài chính của công ty giảm 63% xuống còn 289 tỷ đồng và lợi nhuận khác “tụt dốc” 95% chỉ còn gần 4 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều chi phí đồng loạt tăng đã khiến lợi nhuận sau thuế trượt dốc 92%, còn hơn 30 tỷ đồng.
Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc
CII
, nguyên nhân giảm lợi nhuận trong quý III chủ yếu do cùng kỳ năm trước phát sinh các khoản lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính và các khoản lãi khi thanh lý công ty con với giá trị lớn, mặt khác chi phí lãi vay trong kỳ tăng, nên mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lãi ròng vẫn giảm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm,
CII
ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh lên mức 1.472 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Dù doanh thu tăng mạnh nhưng hầu hết các chi phí cũng tăng theo, đặc biệt là các chi phí tài chính, chi phí bán hàng khiến lợi nhuận của
CII
giảm 34% xuống còn 285 tỷ đồng.
Trong năm 2020,
CII
dự kiến đạt 5.800 tỷ đồng doanh thu và 808 tỷ đồng lãi ròng. Như vậy, sau 9 tháng,
CII
chỉ mới thực hiện được 51% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận.
Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của
CII
trong 9 tháng qua ghi nhận âm gần 1.500 tỷ đồng và gấp 5,2 lần lợi nhuận của doanh nghiệp, trong khi cùng kỳ dương 534 tỷ đồng. Trong số này, tiền lãi vay đã trả âm gần 1.168 tỷ đồng, cùng kỳ âm 630 tỷ đồng.
Quan sát bức tranh tài chính của
CII
từ năm 2016 đến nay có thể thấy, dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty chủ yếu âm; nếu dương thì cũng không đáng kể. Điều này buộc doanh nghiệp phải huy động vốn để bù đắp thâm hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh và tài trợ cho nhu cầu đầu tư mở rộng.
Khả năng trả nợ "bấp bênh"?
Thực tế, để giải quyết dòng tiền âm, các doanh nghiệp sẽ có nhiều giải pháp, nhưng thông thường nhất là tìm đến nguồn vốn vay gồm ngân hàng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, phát hành trái phiếu được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều hơn là vay ngân hàng, và
CII
cũng không nằm ngoài “vòng xoáy”.
Như đã nói ở trên,
CII
đã liên tiếp phát hành trái phiếu để huy động vốn trong những tháng đầu năm 2020 với giá trị phát hành lên tới hơn 6.000 tỷ đồng (tính đến 30/9), tăng 171% so với cuối năm 2019.
Việc này khiến nợ phải trả của
CII
tính đến cuối tháng 9/2020 ghi nhận hơn 22.080 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm (tương đương tăng hơn 1.500 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 9.242 tỷ đồng, giảm 20% và dư nợ vay dài hạn hơn 12.838 tỷ đồng, tăng 42% so với hồi đầu năm.
Số dư nợ trái phiếu có kỳ hạn phải trả trong vòng 2 năm tới là 2.229,63 tỷ đồng, gồm 627,38 tỷ đồng phải trả trong vòng một năm, 1.602,25 tỷ đồng phải trả trong năm thứ hai, tương ứng 40% tổng dư nợ trái phiếu phải trả trong vòng 5 năm tới. Như vậy,
CII
phải liên tiếp đáo hạn, thanh toán các khoản lãi trái phiếu.
Trước đó, phân tích về khả năng trả nợ của
CII
, một vị đại diện cho biết, hiện công ty có 5 dự án đang thu phí hoàn vốn đầu tư là dự án tuyến tránh Quốc lộ 1A, đoạn qua TP. Phan Rang – Tháp Chàm, dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1A, đoạn qua tỉnh Ninh Thuận, quyền thu phí giao thông đường ĐT 741, quyền thu phí giao thông cầu Rạch Miễu và quyền thu phí giao thông cầu Cổ Chiên.
CII
khẳng định sử dụng nguồn tiền có được từ hoạt động thu phí giao thông cùng với các lợi ích kinh tế khác có thể thu được từ các quyền thu phí giao thông này để đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng và trái phiếu phát hành.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, trong năm 2019, khoảng 50% các dự án BOT giao thông bị giảm doanh thu, nhiều dự án đứng trước nguy cơ thua lỗ, thu không đủ trả lãi ngân hàng, lưu lượng thực tế xe thấp hơn dự kiến, cùng với sức ép từ nhiều tài xế ở các trạm thu phí BOT đã ảnh hưởng dây chuyền tới thu phí, khiến nhiều doanh nghiệp “điêu đứng”.
Trong khi đó, năm 2020, do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của đa số doanh nghiệp gặp khó khăn, ngưng trệ, nguồn thu phí của các doanh nghiệp BOT đường bộ dự kiến càng thất thu so với năm 2019.
Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều dự án sẽ kéo dài thời điểm hoàn vốn và đẩy rủi ro tới doanh nghiệp đầu tư BOT bằng vay nợ cao.