Hiện Vietnam Airlines đang có các khoản vay cũ tới gần 35 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả ngắn và dài hạn từ hơn 20 định chế tài chính.
Ảnh minh họa/Reuters
Quốc hội đã bấm nút
Chiều ngày 17/11, Quốc hội đã chính thức bấm nút thông qua gói hỗ trợ lớn nhằm tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam -
Vietnam Airlines (mã
HVN).
Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định của Luật Chứng khoán và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Ngoài ra, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Trước đó, theo đề xuất của Vietnam Airlines, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ
tái cấp vốn với quy mô 12.000 tỷ đồng cho hãng hàng không này, trong đó, chia làm 2 phần: 8.000 tỷ đồng tăng vốn thông qua chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 4.000 tỷ đồng vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Được biết, sau khi Quốc hội có nghị quyết thì Thủ tướng sẽ có quyết định triển khai các giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines, trong đó sẽ có quy định cụ thể về lãi suất và thời hạn cho doanh nghiệp vay là bao nhiêu.
Sau khi có quyết định của Thủ tướng, các ngân hàng thương mại sẽ cho Vietnam Airlines vay, Vietnam Airlines vay của các ngân hàng thương mại bao nhiêu thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cho các ngân hàng thương mại vay tái cấp vốn bấy nhiêu.
Theo lãnh đạo NHNN, các ngân hàng thương mại sẽ được tái cấp vốn với lãi suất rất thấp để có thể cho Vietnam Airlines vay mức ưu đãi nhất.
Ngân hàng cũng sẽ bớt áp lực?
Như trên, ngoài việc được tăng thêm vốn, dự kiến Vietnam Airlines sẽ được cấp khoản tín dụng 4.000 tỷ đồng mới với lãi suất rất ưu đãi.
Với gói giải cứu 12.000 tỷ này, Vietnam Airlines có thêm điều kiện để có thể vượt qua được những khó khăn hiện tại và tiếp tục “sải cánh vươn cao” thời gian tới.
Nguồn lực mới "bơm" vào, kỳ vọng trên mở ra, các khoản vay cũ tới gần 35 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả ngắn và dài hạn từ hơn 20 định chế tài chính của doanh nghiệp cũng được kỳ vọng giải tỏa bớt áp lực. Ít nhất, ở khía cạnh này, khách vay đang được trao cơ hội để vượt khó và có thể phục hồi.
BCTC quý 3/2020 của Vietnam Airlines cho thấy, đến cuối tháng 9, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp ở mức 11.684 tỷ đồng, tăng tới 79,6% so với đầu năm trong khi vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ 8%, xuống còn 23.371 tỷ đồng.
Phần thuyết minh BCTC quý 3 không nêu rõ các nhà băng đang cung cấp vốn vay cho Vietnam Airlines, tuy nhiên theo BCTC 6 tháng đầu năm 2020 thì Vietcombank, BIDV, Eximbank đang là 3 nhà băng đang cho vay lớn nhất với dư nợ lần lượt 8.049 tỷ đồng, 3.005 tỷ đồng và 835 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2020.
Ngoài ra, một loạt các nhà băng khác cũng tham gia cung cấp vốn cho Tổng công ty bao gồm Techcombank, SeABank, VietinBank, VIB, MB, Indovina, TPBank, VPBank, MSB, HSBC Việt Nam, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga,…
Trước đó, nhiều chuyên gia từng có cảnh báo nếu việc giải cứu Vietnam Airlines không được triển khai sớm, việc giảm quá sâu doanh thu, thiếu hụt dòng tiền chắc chắn làm phá sản doanh nghiệp và hệ lụy xảy ra rất lớn.
Khi đó, dù có triển khai các biện pháp hỗ trợ chậm cũng khó có thể vực dậy doanh nghiệp, mà ảnh hưởng toàn bộ đến cấu trúc ngành. Đó là chưa kể đến việc các ngân hàng sẽ phải ghi nhận khoản nợ xấu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng nếu Vietnam Airlines không thể phục hồi.