Masan Group đóng cửa 421 cửa hàng VinMart+ và 12 siêu thị VinMart kể từ đầu năm.
Tập đoàn mở mới 57 siêu thị mini VinMart+ và 1 siêu thị VinMart.
Vincommerce phát sinh khoản lỗ EBITDA bất thường 238 tỷ đồng do đóng các cửa hàng bán lẻ.
Tập đoàn Masan (HoSE:
MSN) đã thực hiện đóng cửa 276 cửa hàng VinMart+ kém hiệu quả trong quý III (phân nửa trong đó là tại TP HCM). Lũy kế 9 tháng, chuỗi siêu thị mini này đã dừng hoạt động tại 421 địa điểm bán. Ngoài ra, tập đoàn cũng quyết định đóng cửa 12 siêu thị VinMart trong 9 tháng.
Các cửa hàng đóng cửa trong 9 tháng đầu năm chủ yếu nằm ở TP HCM và các thành phố cấp 2. Đây là những điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m2 thấp hơn gần 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn.
Trong khi đó, Masan Group chỉ mở mới 57 siêu thị mini VinMart+ và 1 siêu thị VinMart. Đến cuối tháng 9, VinCommerce (VCM - sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ và VinEco) có tổng cộng 2.646 điểm bán gồm 2.524 cửa hàng VinMart+ và 122 cửa hàng VinMart.
Việc đóng cửa các điểm bán không hiệu quả khiến Vincommerce phát sinh khoản lỗ EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) bất thường 238 tỷ đồng từ đầu năm. Lợi nhuận được cải thiện từ việc đóng cửa các điểm bán trên sẽ cho thấy kết quả vào năm 2021.
Số lượng cửa hàng bán lẻ thuộc Vincommerce.
Trong quý vừa qua, VinCommerce đạt doanh thu 7.864 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng là 23.678 tỷ đồng. Chỉ số EBITDA đã cải thiện từ âm 5,1% quý I, lên mức âm 2,8% trong quý III và đang trên đà hòa vốn trong quý IV. Các động lực chính bao gồm biên lợi nhuận gộp cải thiện 2,4% và chi phí hoạt động giảm 1,3%.
Tối ưu hóa danh mục sản phẩm, đưa ra chính sách giá mới và đàm phán lại điều khoản với nhà cung cấp là 3 động lực chính thúc đẩy cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý vừa qua. Các cải thiện giá vốn hàng bán dự kiến sẽ được thực hiện vào quý IV và bắt đầu cho kết quả vào nửa đầu năm 2021.
Ngoài ra, doanh số nhãn hàng riêng tại hệ thống VinMart, VinMart+ tăng trên 10% trong quý III. Đây là một trọng tâm của Masan Group trong 18 tháng tới với mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp lên 20% doanh thu trong dài hạn.
Với VinMart+, doanh thu chuỗi trong quý III tăng trưởng 38,4% và tăng 56,5% trong 9 tháng đầu năm dù đóng cửa đến 421 cửa hàng. Tăng trưởng doanh thu/m2 trong quý III đạt 8,4% được thúc đẩy bởi giá trị hóa đơn trung bình tăng 18,1%. Lượng khách đến cửa hàng VinMart+ giảm 7,9% trong quý vừa qua do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội.
Tập đoàn đang thí điểm 3 cửa hàng có hình thức bày trí mới tại Hà Nội và TP HCM, nhằm cung cấp nhiều sản phẩm tươi sống hơn, bắt mắt hơn và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Hệ thống VCM dự kiến sẽ tăng tốc để đảm bảo đạt lợi nhuận vào năm 2021.
Với siêu thị VinMart, doanh thu quý III giảm 15,8% so với cùng kỳ nhưng đã hồi phục 5,4% so với quý II. Tăng trưởng doanh thu/m2 đạt 8,3% so với quý trước, chủ yếu nhờ vào lượng khách tăng 9,3% và giá trị hóa đơn trung bình tăng 6,6% trên cả nước.
Masan Group cho biết hơn 95% doanh số sụt giảm là do các siêu thị VinMart thuộc các trung tâm thương mại của Vincom Retail. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu/m2 của các siêu thị không thuộc Vincom Retail là 1,3% trong quý III và 4,1% sau 9 tháng.
Khu vực Hà Nội có tăng trưởng doanh thu/m2 đạt 4,3% trong quý vừa qua và đóng góp lớn nhất vào toàn chuỗi VinMart với tỷ trọng 48%, nhờ vị thế dẫn đầu của VinCommerce tại miền Bắc. Ngược lại, các siêu thị tại TP HCM, các thành phố cấp 1 và cấp 2 (những khu vực tập trung nhiều siêu thị thuộc Vincom Retail hơn) có mức tăng trưởng âm.