Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi được gần hết chặng đường của năm 2020 với nhiều biến động, trong khi Vn-Index khá “chật vật” mới trở lại mốc khởi đầu năm thì UPCoM-Index lại có những bước tiến thần tốc.
Tính đến phiên giao dịch ngày 9/11, chỉ số UPCoM-Index dừng lại ở vùng 66 điểm, ghi nhận mức tăng gần 17% so với đầu năm và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 3/2015 đến nay.
Sàn UPCoM chính thức ra đời vào tháng 6/2009 và hiện là “nhà” của hơn 900 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng gần 55% tổng số doanh nghiệp đang niêm yết trên toàn thị trường. Tổng khối lượng đăng ký giao dịch trên sàn này đạt hơn 37 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch đạt 374.000 tỷ đồng tính đến cuối tháng 10/2020.
Sức hấp dẫn “tiềm ẩn”
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/11, chỉ số Vn-Index (đại diện cho sàn HoSE) đóng cửa tại mức 983,26 điểm, hồi phục khá mạnh so với mức đáy hồi cuối tháng 3 nhưng so với đầu năm thì chỉ số lớn nhất sàn chứng khoán mới chỉ ghi nhận tăng 2,4%. Thế nhưng UPCoM-Index đã kịp ghi nhận thêm 17% giá trị trong gần 11 tháng qua.
Thanh khoản trên UPCoM vẫn còn thấp dù bứt phá mạnh mẽ về điểm số.
Nếu như trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, đa số hàng trên UPCoM và chỉ là “trạm dừng chân” của một số doanh nghiệp, hoặc để đối phó với quy định từ các cơ quan chức năng, nơi tập trung của nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện trụ lại HoSE, HNX, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã "khai tử" thì đến nay, sàn giao dịch này đang có sự hiện diện của nhiều cổ phiếu chất lượng cao, không hề thua kém 2 sàn niêm yết.
Có thể kể tới như các cổ phiếu "họ Viettel" (
VTP,
VGI,
VTK,
CTR), các cổ phiếu khu công nghiệp (
SIP,
NTC,
SNZ,
VRG), hàng không (
ACV,
SAS,
NAS), dầu khí (
BSR,
OIL), ngân hàng (
BVB,
BAB), "họ Masan" (
MSR,
MCH,
MML) hay một vài cái tên như
VEA,
KDF,…Xét về chất lượng doanh nghiệp, những mã này không hề thua kém VN30.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư vẫn luôn tìm kiếm cơ hội trên sàn UPCoM bởi với biên độ dao động trong ngày lên đến 15% cao gấp đôi sàn HoSE (7%) và gấp rưỡi HNX (10%). Với biên độ này, rủi ro của UPCoM là không nhỏ nhưng lợi nhuận cũng đầy hấp dẫn đủ kích thích lòng tham của các nhà đầu tư mạo hiểm.
Trong khi đó, từ đầu năm tới nay, khá nhiều cổ phiếu lớn trên sàn UPCoM đã bứt phá mạnh, thậm chí vượt đỉnh lịch sử như
VTP,
CTR,
SIP,
NTC,
KDF,
G36...góp phần quan trọng giúp UPCoM-Index bứt phá. Trước đó, một số cổ phiếu lớn sàn UPCoM vừa chuyển sàn niêm yết sang HoSE cách đây ít tháng như
VIB,
LPB,
BCM cũng bứt phá mạnh, góp phần không nhỏ vào đà tăng trưởng của chỉ số.
Nếu so sánh các mã tăng giá trên cả 3 sàn, tính đến đầu tháng 11/2020, trên sàn UPCoM có tổng cộng 116 cổ phiếu ghi nhận mức tăng từ 50% trở lên, trong khi HoSE có 43 mã, HNX có 39 mã. Nếu tính theo mức độ tăng cao hơn từ 100% trở lên, thì HoSE có 14 mã, HNX có 11 mã nhưng UPCoM có đến 43 mã, chiếm tỷ trọng hơn 63% trong tổng số các mã tăng trên toàn thị trường.
Margin vẫn là “nút thắt”
Thực tế, dù tăng trưởng về điểm số nhưng thanh khoản trên thị trường UPCoM vẫn luôn ở mức thấp bởi ở một chừng mực nào đó vẫn chịu sự ghẻ lạnh của giới đầu tư so với HoSE và HNX.
Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cao cấp Công ty chứng khoán KIS Việt Nam nói rằng, thanh khoản trên UPCoM khá khiêm tốn, tập trung chủ yếu ở các nhóm cổ phiếu sắp chuyển sàn hoặc có câu chuyện riêng. Còn lại đa phần đều có khối lượng giao dịch thấp, dù số lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch của doanh nghiệp không hề nhỏ.
Trong tháng 10 vừa qua, toàn thị trường UPCoM có hơn 813,8 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 11.400 tỷ đồng, chỉ bằng 6,3% tổng giá trị giao dịch trên HoSE (khối lượng giao dịch 9,07 tỷ cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch 181.130 tỷ đồng); và 60,6% tổng giá trị giao dịch trên HNX.
Tính bình quân, giá trị giao dịch trên UPCoM đạt hơn 518,5 tỷ đồng/phiên trong tháng 10, tăng tới 19,59% so với tháng trước.
Thanh khoản thấp khiến những doanh nghiệp lớn liên tiếp chuyển sang HoSE và HNX để niêm yết, hoặc cũng đặt mục tiêu về việc sẽ chuyển sàn trong tương lai gần. Điều này khiến UPCoM không thể thoát được “cái bóng” của một “trạm dừng chân”.
Theo nhận định từ các công ty chứng khoán, bên cạnh việc minh bạch thông tin, rà soát chặt chẽ hơn chất lượng các doanh nghiệp đăng ký giao dịch thì việc không được giao dịch ký quỹ (margin) là một điểm trừ khá lớn của UPCoM.
Trong những năm gần đây, giới phân tích liên tục kiến nghị cơ quan chức năng xem xét cho triển khai dịch vụ này với các mã đủ chuẩn bởi đây là giải pháp mang tính thúc đẩy sức hấp dẫn cho hàng hóa trên UPCoM.
Ông Nguyễn Hồng Khanh – Trưởng phòng phân tích, Công ty chứng khoán
VIS cho rằng, trên UPCoM hiện đang có khá nhiều cổ phiếu cơ bản tốt, hoạt động kinh doanh ổn định, những mã này nếu được cấp margin sẽ thu hút tốt được dòng tiền.
Bởi lẽ, các nhà đầu tư lướt sóng có xu hướng sử dụng các công cụ đòn bẩy tài chính nhưng các cổ phiếu trên UPCoM lại không được phép margin, các công cụ phái sinh cũng chủ yếu áp dụng cho VN30 khiến UPCoM trở nên kém hấp dẫn hơn các sàn giao dịch khác.
Do đó, để thị trường UPCoM ngày càng phát triển, trở thành “sân chơi” đúng nghĩa cho các nhà đầu tư thì cơ chế cho vay margin có chọn lọc là hết sức cần thiết trong giai đoạn này.