-
Ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất ấn tượng, đạt 16,5%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân ngành chỉ khoảng 6%.
-
Tăng trưởng doanh thu song hành cùng khả năng tiết giảm chi phí có thể là nguyên nhân lớn nhất giúp VPBank đạt lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Trong 9 tháng, tín dụng của VPBank tăng mạnh giúp tổng doanh thu hợp nhất sau 9 tháng đạt 28.300 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ, riêng ngân hàng mẹ tăng 18,7%. Ngay trong thời điểm dịch Covid-19 quay trở lại, tổng thu nhập của ngân hàng mẹ đạt gần 5.000 tỷ đồng trong quý III, tăng gần 8% so với quý trước đó, thể hiện nỗ lực của VPBank trong thời điểm ngành ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, thu nhập từ phí (NFI) của ngân hàng mẹ tăng trưởng gần 36%, đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, tỷ trọng NFI trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 13,2% lên 15,1% so với cùng kỳ, là phần bù đắp quan trọng cho việc NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng đã giảm trong quý vừa qua.
Tăng trưởng doanh thu của VPBank song hành cùng với khả năng tiết giảm chi phí có thể là nguyên nhân lớn nhất giúp ngân hàng này đạt được con số lợi nhuận vượt kỳ vọng. Tổng chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất tính tới cuối quý III chỉ ở mức 8.625 tỷ đồng, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. OPEX giảm giúp tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) của VPBank cũng giảm mạnh từ 34,7% cùng kỳ năm ngoái xuống còn 30,4% vào tháng 9 năm nay.
Lợi nhuận của VPBank vượt kỳ vọng. Ảnh: VPBank.
Năm 2019, VPBank từng cho thấy động thái cắt giảm chi phí quyết liệt thông qua hoạt động cắt giảm nhân sự tại các vị trí hoạt động kém hiệu quả và trùng lặp. Tới thời điểm này, theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh, hoạt động tối ưu hóa OPEX không chỉ đơn thuần là giảm bớt nhân sự nữa.
“Thay vào đó, chi phí được cắt giảm thông qua các hoạt động số hóa tối đa các khâu vận hành, từ việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data) trong phê duyệt tín dụng, đến đánh giá mức độ rủi ro và chăm sóc khách hàng trên đa kênh nền tảng số, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng thân thiện nhất với người dùng thông qua công nghệ. Như vậy ngân hàng vừa tối ưu được chi phí, vừa giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng”, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ.
Ngân hàng tích cực đẩy mạnh số hóa, tung ra các sản phẩm số mới để tối ưu hóa quy trình, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Tháng 7 vừa qua, VPBank trở thành ngân hàng đầu tiên tuân thủ mọi quy định về eKYC (mở tài khoản không tiếp xúc), cho phép khách hàng sở hữu tài khoản thanh toán và thực hiện được ngay các giao dịch trong vòng vài phút. Số lượng khách hàng số (digital user) tại ngân hàng mẹ đã đạt gần 1,3 triệu vào cuối quý III, tương đương tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Với hàng loạt sản phẩm đa dạng hóa doanh thu được triển khai đồng bộ, kết hợp với chính sách kiểm soát và tối ưu hóa chi phí hoạt động một cách hợp lý, lợi nhuận trước thuế thu được sau 9 tháng của VPBank đã đạt 92% kế hoạch năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng. Trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất. Mức lợi nhuận này nằm trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu thị trường Việt Nam.
Nhờ nền tảng tốt trong 3 quý đầu năm 2020, ban lãnh đạo VPBank kỳ vọng ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững trong quý cuối năm. Thậm chí, quý IV được dự báo sẽ là quý tăng trưởng tín dụng cao nhất của VPBank từ đầu năm đến nay.
“4 trụ cột của VPBank hiện tại đó là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kiểm soát chất lượng tài sản, giảm chi phí huy động vốn và tối ưu chi phí hoạt động. Tối ưu hóa chi phí vẫn là nhiệm vụ hàng đầu của ngân hàng và đã được thực hiện quyết liệt trong vài năm gần đây. Trong thời gian tới, VPBank vẫn sẽ kiên trì với mục tiêu tiết giảm chi phí, làm sao để với một một nguồn lực ít hơn, ngân hvẫn tạo ra giá trị thặng dư nhiều hơn”, ông Vinh nhấn mạnh.