Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis) ngày 24/11 công bố số liệu điều chỉnh cho thấy kinh tế nước này đã tăng 8,5% trong quí III/2020, cao hơn so với dự kiến chủ yếu nhờ sức mua từ người dân trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa trước đó đã được dỡ bỏ.
Mức tăng GDP này cao hơn so với mức tăng ước tính 8,2% đưa ra hồi tháng 10.
Theo Destatis, tiêu dùng tư nhân tăng chủ yếu nhờ động thái giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tạm thời đến cuối năm 2020, cùng với khoản tiền hỗ trợ 300 euro (365 USD)/trẻ em cho mỗi hộ gia đình nằm trong gói kích thích của chính phủ.
Xuất khẩu và đầu tư vào máy móc và các thiết bị khác tăng mạnh cũng phần nào hỗ trợ sự phục hồi trong những tháng Hè.
Destatis cho hay mức tăng trưởng trên có thể "bù đắp một phần lớn cho sự sụt giảm GDP nghiêm trọng ghi nhận được trong quý II/2020" do đại dịch COVID-19 gây ra.
Từ tháng 4-6/2020, khi nền kinh tế hàng đầu của châu Âu này bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa các doanh nghiệp và nhà máy, GDP đã giảm mức kỷ lục 9,8%. Song việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ khi người tiêu dùng quay trở lại các cửa hàng và hoạt động sản xuất bắt đầu lại.
Tuy vậy, nhà phân tích Jens-Oliver Niklasch thuộc ngân hàng LBBW cho hay vào quý cuối năm 2020, khả năng kinh tế Đức sẽ sụt giảm khá mạnh do các biện pháp phong tỏa đang được triển khai hiện nay.
Đức hiện đang áp đặt các biện pháp mới nhằm hạn chế sự lây lan của đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai, và chính phủ dự đoán GDP sẽ chỉ tăng 0,4% trong quý cuối cùng của năm.
Nhìn chung, Chính phủ Đức dự kiến nền kinh tế sẽ giảm 5,5% trong năm 2020 trước khi phục hồi 4,4% vào năm 2021.
Nhà phân tích Carsten Brzeski của ngân hàng ING cho biết Thủ tướng Angela Merkel sẽ gặp các nhà lãnh đạo khu vực vào ngày 25/11 để quyết định về việc kéo dài các biện pháp hạn chế. Bất kỳ sự gia hạn phong toả nào cũng sẽ khiến nền kinh tế sụt giảm hoặc suy thoái kép trong quý cuối cùng của năm.