Luôn là “tay chơi” lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng với cơ chế mới mà Ngân hàng Nhà nước đang đề xuất, các ngân hàng thương mại sẽ bị siết hoạt động đầu tư vào TPDN.
Theo giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư một ngân hàng, quy định chỉ cho phép TCTD dưới 3% mua trái phiếu, không tác động lớn đến hoạt động giao dịch TPDN của các nhà băng.
Nợ xấu cao bị hạn chế mua TPDN
Quan ngại các tổ chức tín dụng (TCTD) gia tăng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) dẫn đến rủi ro với hoạt động của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất nhiều quy định mới thông qua đang hoàn thiện dự thảo thông tư quy định về TCTD mua, bán TPDN thay thế Thông tư số 22/2016 và Thông tư 15/2018.
Điểm mới đáng chú ý trong đề xuất này là TCTD chỉ được mua TPDN khi có nợ xấu dưới 3% theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại năm liền kề trước năm mua TPDN, trừ trường hợp mua TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. TCTD không được mua trái phiếu (bao gồm mua từ phát hành lần đầu và mua lại từ các tổ chức, cá nhân khác) của doanh nghiệp phát hành có phát sinh nợ xấu tại TCTD mua và tại TCTD khác trong vòng 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm quyết định phê duyệt mua...
Đề xuất mới trên nhằm hạn chế các TCTD không kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, nhưng vẫn mua bán TPDN, đồng thời góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các ngân hàng... Việc áp dụng quy định này được nhìn nhận là có tác động đến sức cầu trên thị trường. Tuy nhiên, theo giám đốc đầu tư và quản lý danh mục đầu tư của một ngân hàng đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), mức độ tác động của quy định này đến hoạt động giao dịch TPDN của các TCTD là không đáng kể, bởi hiện đa phần các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%... Đây là quy định cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động của ngân hàng lẫn thị trường.
Các ngân hàng bị siết quy định đầu tư trái phiếu. Ảnh minh hoạ: Bảo Linh.
Công tác kiểm tra của cơ quan quản lý phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư, trong đó có bao gồm các ngân hàng thương mại với mục đích thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, nhưng thực chất là huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác... Điều này khiến TCTD khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp... Để khắc phục rủi ro này, một điểm mới được cơ quan quản lý đề xuất là TCTD không được mua TPDN phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác... Giải pháp này nhằm kiểm soát TCTD không được mua trái phiếu phát hành để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác...
Tuy nhiên, trao đổi với Người Đồng Hành, phó tổng giám đốc một ngân hàng đang niêm yết trên HoSE cho rằng đề xuất của NHNN khó có tính khả thi. Đương nhiên, nếu trong phương án phát hành doanh nghiệp nêu rõ mục đích huy động vốn để góp vốn, mua cổ phần, thì các ngân hàng sẽ không được tham gia như đề xuất của NHNN. Tuy nhiên, trên thực tế, mục đích của nhiều đợt phát hành thường được các doanh nghiệp công khai là tăng vốn cho triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung. Sau khi huy động được vốn, họ chủ động trong sử dụng vào các mục đích khác nhau, trong đó không loại trừ có sử dụng vào góp vốn, mua cổ phần ở các doanh nghiệp khác.
Khi đó rõ ràng trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp phát hành, chứ không phải là ngân hàng thương mại. Do đó, nếu truy trách nhiệm và xử lý vi phạm của ngân hàng là không thỏa đáng. Bởi vậy, để tránh gây khó cho các TCTD, NHNN nên đưa ra các chỉ tiêu về kiểm soát rủi ro khi mua TPDN để buộc các ngân hàng phải tuân thủ, thay vì dừng lại ở quy định chung chung như dự thảo thông tư. Mặt khác, để giảm thiểu rủi ro cho hoạt động đầu tư của ngân hàng thương mại, nhà quản lý cần có cơ chế bắt buộc xếp hạng định mức tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu...
Tăng giám sát rủi ro hậu đầu tư
Cùng với kiểm soát chặt hơn hoạt động mua TPDN, cơ quan quản lý còn đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy TCTD gia tăng quản trị rủi ro với danh mục TPDN nắm giữ.
Theo đó, một điểm mới tại dự thảo thông tư là: TCTD mua TPDN với mục đích nắm giữ đến ngày đáo hạn, khi chuyển đổi mục đích nắm giữ trái phiếu và thực hiện bán TPDN này cho TCTD khác, thì trong vòng 12 tháng không mua lại các TPDN đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN đã bán, trừ trường hợp bán TPDN theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật... Giải pháp này nhằm ngăn ngừa các TCTD bán TPDN cho TCTD khác vào cuối năm và mua lại vào đầu năm sau, để không tuân thủ quy định của NHNN về kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Cũng liên quan đến quản lý rủi ro hậu mua vào TPDN, điểm mới mà cơ quan hoạch định chính sách đề xuất là trong thời gian nắm giữ đến ngày đáo hạn TPDN, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, TCTD đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành...
Ủng hộ quy định trên, ý kiến từ phía ngân hàng cho rằng đề xuất của NHNN là phù hợp và có tính khả thi, bởi tương tự như hoạt động quản lý tín dụng, sau khi cho doanh nghiệp vay vốn, định kỳ các ngân hàng tổ chức đánh giá chất lượng tín dụng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, để đảm bảo khả năng thu hồi nợ gốc và lãi...