Là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng nói đến gạo của Việt Nam lại ít người biết tới. Đó là nghịch lý mà ngành lúa gạo dường như vẫn chưa thể giải quyết được sau hơn 30 năm xuất khẩu.
Năm 2020 được đánh giá là năm khá thành công với xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam, giá gạo XK đã vượt qua Thái Lan, đạt gần 500 USD/tấn. Dự báo trong thời gian tới, XK vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Khách bất ngờ vì Việt Nam có gạo XK
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Séc, trước đây, Việt Nam đứng thứ 6 trong 40 nước XK gạo vào thị trường này. Tuy vậy, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thực thi từ 1/8/2020, XK gạo của Việt Nam được đánh giá là sẽ có nhiều tiềm năng tại Séc. Dự báo, Việt Nam đang có cơ hội tăng kim ngạch XK gạo thơm gấp 3 lần, gạo tấm lên hàng trăm lần so với hiện tại.
Nhiều người kỳ vọng với những cơ hội đang mở ra sẽ là dịp tốt để hạt gạo Việt Nam tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới.
Gạo Việt Nam vẫn hầu như "trắng' thương hiệu ở thị trường thế giới.
Thế nhưng, có một nghịch lý là hiện tại nói đến gạo Việt Nam, nhiều người dùng thế giới vẫn rất mơ hồ, thậm chí không nghĩ rằng Việt Nam là cường quốc sản xuất lúa gạo.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Hapro kể: "Khi chúng tôi sang châu Phi để nhập điều thô, do gặp vướng mắc ở khâu thanh toán nên đã đề xuất với đối tác là sẽ đem gạo sang để đổi lấy điều thô đem về. Lúc đó, họ giật mình vì không nghĩ rằng Việt Nam cũng có gạo XK!".
Ông Phạm Văn Công, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Hungary cũng cho rằng, gạo Việt Nam đang có cơ hội lớn tại thị trường này nhưng thẳng thắn mà nói vẫn đang lép vế cạnh tranh hơn so với gạo của Úc, Ấn Độ hay Thái Lan. Úc có khoảng cách đến Hungary xa hơn Việt Nam, nhưng chất lượng và thương hiệu gạo của họ tốt hơn.
Những ngày gần đây, vấn đề xây dựng thương hiệu gạo lại trở nên nóng khi tại Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2020 diễn ra tại Mỹ, gạo ST25 của Việt Nam từng đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 đã rớt xuống hạng nhì. Nhiều doan nghiệp (DN), chuyên gia tỏ rõ sự bức xúc vì điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển thương mại cho cả ngành lúa gạo Việt Nam.
GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ kể: "Trước kia, khách hàng chê hoài là Việt Nam không có gạo ngon, đến khi gạo ST25 được giải, tôi đã trực tiếp liên hệ với hệ thống siêu thị Viet Wah ở Seattle (Mỹ) về việc nhập khẩu gạo của Việt Nam sang phân phối. Vị chủ siêu thị này lập tức đồng ý ngay. Ngoài phân phối vào siêu thị, họ bảo có một công ty làm bánh phở tươi cũng muốn thử dùng gạo Việt Nam thay vì gạo của Mỹ".
Tuy nhiên, sau khi móc nối đầu mối nhập khẩu, thì Việt Nam lại không có gạo để gửi. Theo ông Xuân, nguyên nhân là Bộ NN&PTNT chưa cho phép trồng đại trà giống ST25 với lý do giống gạo ST 25 phải được khảo nghiệm ở toàn quốc - tức là đưa vào trong bộ giống mà các cơ quan làm ra giống trồng các nơi ở Việt Nam xem có thật sự tốt không.
"Có kết quả rồi thì mới công nhận là giống tốt. Tại sao một loại gạo đã được quốc tế xác nhận rồi mà phải mất một năm mới được công nhận là giống phổ biến hay không phổ biến? Như vậy là mình đã đánh mất cơ hội để phát triển loại gạo này", ông Xuân nói.
Xây dựng thương hiệu: không thể chậm chễ!
Chưa kể, cùng lúc đó, ở trong nước do làm ăn chụp giật, một số DN đã thuê nông dân trồng rồi dán nhãn hiệu ST25. Điều này dẫn đến ngay bản thân GS. Võ Tòng Xuân hiện nay cũng không thể biết được giống nào là ST25 thật. Nghĩa là, Việt Nam đã bỏ lỡ mất cơ hội để nhiều người dùng thế giới biết tới gạo ST25 - gạo ngon nhất thế giới, trước khi bị xuống hạng nhì vào năm 2020.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T chia sẻ, với DN, việc gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới là cơ hội hiếm có để thay đổi nhận thức khách hàng. Theo đó, DN đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, làm thương hiệu để XK sang Mỹ.
"Chúng tôi đã có những đơn hàng 5-6 container/tháng vào Mỹ nhưng gặp sự cố hạ cấp giải thưởng trên nên đang phải tính toán lại", ông Tùng nói.
Tranh cãi về việc có nên đem gạo ST25 đi thi vẫn chưa đến hồi kết, nhưng đây chắc chắn là bài học để xây dựng thương hiệu ngành lúa gạo tốt hơn. Sau hơn 30 năm xuất khẩu, ngành lúa gạo Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc công bố logo thương hiệu quốc gia.
Theo các DN và chuyên gia, để xây dựng thương hiệu trước hết phải làm tốt ở khâu sản xuất. Ông Lâm Định Quốc, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng cho rằng, ngành lúa gạo bắt đầu từ việc tạo ra sản phẩm đồng nhất về chủng loại, chất lượng đồng đều, tuy nhiên sản xuất lúa tập trung tại Việt Nam rất ít.
"Ngay cả tại Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước thì việc tổ chức mô hình cánh đồng lớn cũng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Mỗi hộ gia đình có trung bình 5.000m2 và sản xuất riêng lẻ nên việc áp dụng cơ giới hóa, đầu tư giống và kỹ thuật đều rất khó. Sản xuất không bài bản thì khó xây dựng được thương hiệu", ông Quốc chia sẻ.
Để đảm bảo liên kết, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho hay, DN này đang tạo ra một hệ sinh thái trong sản xuất lúa gạo, cụ thể bên mua là thương lái, đơn vị thu gom lúa gạo - là tổ chức kết nối với người tiêu thụ. DN cùng với nông dân trồng thông qua đơn đặt hàng của công ty lớn để đáp ứng số lượng, chủng loại, thời gian giao hàng. Điều này giúp tất cả các bên đều có thể tham gia vào mối liên kết.
Tuy nhiên, để mối liên kết trở nên bền vững, ông Thòn kiến nghị: Nhà nước cũng đóng vai trò là trọng tài đảm bảo chuỗi hoạt động liên tục không xảy ra sự cố, để nông dân không đổ thừa cho DN, DN không đổ thừa cho nông dân.
Mặt khác, theo các chuyên gia, DN cùng bộ phận tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài cũng phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu gạo Việt Nam tới các thị trường trọng điểm, hướng tới tăng sự nhận biết của người dùng.
Bà Trần Kim Liên
Chủ tịch HĐQT Vinaseed Group
Để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần phải sản xuất theo chuỗi và kiểm soát chất lượng một cách bài bản, ngay từ khâu giống. Thương hiệu gạo quốc gia cần có định hướng, chiến lược phát triển ngày càng bền vững để duy trì được chất lượng, vì chất lượng chính là yếu tố quyết định thương hiệu. Từ đó, thương hiệu gạo Việt Nam sẽ ổn định, bán được giá cao hơn, giống như sản phẩm của các nước khác. Nếu không làm được điều này, thương hiệu gạo quốc gia vẫn chỉ dừng lại ở khát vọng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn
Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Có được giống lúa tốt nhưng để đạt chất lượng gạo tốt còn phụ thuộc vào nhiều khâu, trong đó có khâu thu mua, chế biến. Do vậy, các DN của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào xây dựng vùng nguyên liệu, công nghệ bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần. Những điểm sáng trong XK gạo thời gian qua được xem là cơ hội tốt để chúng ta tập trung tái cấu trúc ngành lúa gạo.
Ông Lê Thanh Tùng
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao giữ cho thương hiệu gạo ST25 được bền vững lâu dài. Để làm được điều đó, rất cần bàn tay Nhà nước. Nhà nước phải coi giống lúa gạo này là một tài sản quốc gia, là một giống lúa gạo rất quan trọng trong chiến lược phát triển lúa gạo Việt Nam. Trên cơ sở đó, nên chăng Nhà nước bỏ tiền ra mua bản quyền giống lúa ST25 và tổ chức sản xuất giống, sản xuất lúa gạo thương phẩm một cách bài bản, theo chuỗi giá trị để giữ được sự ổn định về chất lượng sản phẩm.