VN-Index đã lấy lại mốc 1.000 điểm sau hơn 1 năm và hướng đến đỉnh lịch sử 1.200 điểm, bất chấp những biến cố dịch bệnh trong năm qua.
Thị trường chứng khoán đang liên tục phát triển. Trong bối cảnh đó, không thể không nhắc đến cầu nối quan trọng là công ty chứng khoán.
Những con số biết nói của thị trường
Từ đầu năm 2020, thanh khoản thị trường liên tục tăng. Mặt bằng khối lượng giao dịch được nâng lên quanh 200 triệu đơn vị. Từ giữa tháng 8, phần lớn các phiên đều có thanh khoản trên 300 triệu cổ phiếu. Từ đầu tháng 12, khối lượng giao dịch đạt trên 450 triệu đơn vị mỗi ngày. Giá trị giao dịch mỗi phiên liên tục vượt 10.000 tỷ đồng, con số hiếm khi xuất hiện trong giai đoạn trước. Liên tục từ giữa tháng 11, giá trị giao dịch dao động 10.000 -12.000 tỷ đồng mỗi phiên, cá biệt có ngày đạt trên 14.000 tỷ đồng.
Những chuyển biến của chứng khoán không những đến từ nội tại nền kinh tế, mà có sự đóng góp lớn của một bộ phận nhà đầu tư “F0” – những nhà đầu tư lần đầu gia nhập thị trường, những người tìm kiếm kênh mới để cất giữ tài sản trong đại dịch giữa bối cảnh lãi suất thấp.
Sau 20 năm, thị trường chứng khoán đã có rất nhiều sản phẩm để nhà đầu tư lựa chọn. Từ 2 mã cổ phiếu, đến nay, thị trường có gần 1.700 mã chứng khoán được niêm yết và đăng ký giao dịch. Cùng với đó, nhiều sản phẩm khác cũng ra đời dành cho nhiều đồi tượng nhà đầu tư. Các sản phẩm như hợp đồng tương lai, chứng quyền có bảo đảm trở thành những kênh đầu tư mới có tính đòn bẩy cao, vốn đầu tư thấp, nâng cao khả năng sinh lời và có thêm cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia...
Các sản phẩm như chứng chỉ quỹ của các quỹ mở hoặc ETF giúp các nhà đầu tư không chuyên tiếp cận đơn giản hơn với thị trường, đầu tư thụ động trong dài hạn. Cùng với đó, trái phiếu doanh nghiệp trong một năm gần đây cũng là kênh đầu tư được quan tâm với lợi suất ổn định và ít rủi ro hơn thị trường cổ phiếu.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI. Ảnh: NVCC.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI từng nhận xét: “Các thị trường chứng khoán ở các nước phát triển lớn mạnh vì người dân không chỉ có thói quen giữ tiền, vàng, tiết kiệm mà phần lớn giữ tài sản bằng cổ phần của các tập đoàn lớn”. Lên sàn chứng khoán, niêm yết cổ phần cũng đang trở thành động lực cho các doanh nghiệp, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhờ đó sẽ thúc đẩy, từng bước công khai, minh bạch, thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại nhiều đơn vị. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 7/2020, 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443.500 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là trên 207.100 tỷ đồng
Những số liệu của thị trường gần đây dường như đang hiện thực hóa nhận định của vị Chủ tịch Chứng khoán SSI. Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng liên tục. Ở giai đoạn trước 2020, số lượng tài khoản mở mới mỗi tháng chỉ quanh 15.000 đơn vị, một vài tháng đạt 20.000 đơn vị. Song từ tháng 3/2020, lượng mở mới tài khoản đạt quanh 30.000 đơn vị mỗi tháng, nhiều tháng đạt 35.000 đơn vị.
Trong tháng 11, lượng mở mới đạt con số kỷ lục 41.080 tài khoản, đưa số lượng tài khoản chứng khoán đạt hơn 2,67 triệu đơn vị (cuối năm 2000 chỉ dưới 3.000 đơn vị). Con số này tương đương 2,7% dân số Việt Nam, nhưng vẫn cách mục tiêu 3% trong năm 2020 và còn gần một nửa để tới đích 5% vào năm 2025 của Chính phủ trong Ðề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 – 2025.
Sau 20 năm, vốn hoá thị trường chứng khoán tăng trưởng bình quân hơn 50% mỗi năm. Cuối năm 2000, vốn hoá chỉ hơn 980 tỷ đồng, tương đương 0,28% GDP. Đến 2018, vốn hoá tương đương 83% GDP. Đến cuối tháng 6/2020, vốn hoá tương đương 64,5% GDP, bằng 104% GDP của năm 2019. Mục tiêu vào năm 2020, quy mô thị trường cổ phiếu lên 100% GDP và 120% GDP vào 2025.
Dấu ấn và ghi nhận người tiên phong
Để đạt được những mục tiêu của Chính phủ, không chỉ các bộ, ngành, cơ quan chức năng phía Nhà nước phải chung tay, các doanh nghiệp tư nhân, những nhà tạo lập – trong đó công ty chứng khoán là cầu nối quan trọng.
Xuyên suốt sự phát triển của thị trường, công ty chứng khoán là trung gian giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước với dòng vốn nước ngoài và giữa Nhà nước với nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ liên quan.
Vừa qua, Chứng khoán SSI, công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên của Việt Nam đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh Hùng Lao Động thời kỳ đổi mới vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo trong hơn 20 năm thành lập, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc, là minh chứng tiêu biểu nhất cho những đóng góp của những nhà tạo tập cho sự trưởng thành, phát triển của thị trường chứng khoán.
Trong suốt hơn 20 năm thành lập và song hành cùng thị trường, Chứng khoán SSI giúp Nhà nước và doanh nghiệp huy động vốn, góp phần vào sự hình thành một kênh dẫn vốn, kích thích tạo vốn và phân phối vốn dài hạn theo cơ chế thị trường cho nền kinh tế, khơi dậy và huy động nguồn lực cho đất nước. Tính riêng từ 2009 đến 2019, doanh nghiệp này đã huy động gần 12 tỷ USD cho thị trường Việt Nam thông qua nhiều thương vụ có quy mô lớn nhất thị trường Đông Nam Á.
Chứng khoán SSI đi cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam từ những ngày đầu. Ảnh: SSI.
Hoạt động tư vấn của Chứng khoán SSI mang tính chất đi đầu định hướng, đồng thời góp phần tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Doanh nghiệp này đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo Gateway to Việt Nam trong các năm 2009, 2010, 2014 và 2017, nhằm chủ động giới thiệu về các doanh nghiệp Việt Nam ra quốc tế, giúp các doanh nghiệp mời gọi vốn đầu tư, thu hút sự quan tâm của khối ngoại.
Những bước phát triển của chứng khoán Việt Nam đều có dấu ấn của Chứng khoán SSI, từ những thay đổi trong chính sách, góp ý dự thảo pháp luật đến những thương vụ tạo lập, thú hút dòng vốn. Đi đầu trong hoạt động hợp tác nước ngoài, tìm kiếm các dòng vốn chất lượng từ các định chế lớn trên thế giới và đưa vào Việt Nam, SSI tiên phong triển khai các sản phẩm mới, như phái sinh, chứng quyền.
Đặc biệt, điều quan trọng để mở rộng quy mô không chỉ là tăng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, mà còn tăng sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước, biến thị trường chứng khoán thành nơi giữ tài sản không đơn thuần là nơi mua bán kiếm lời, rút ra và giữ tài sản ở nơi khác.
Các CTCK, trong đó có SSI luôn đi đầu trong việc giới thiệu các sản phẩm đầu tư tới thị trường. Với tầm nhìn của ông Hưng, các nhà đầu tư F0 của hiện tại sẽ dần trở thành những nhà đầu tư “lâu năm” của thị trường trong tương lai, tương tự những F0 của 2 thập kỷ trước khi thị trường chứng khoán còn sơ khai.
Sự ghi nhận của Nhà nước với những đóng góp của SSI, vì thế mang nhiều ý nghĩa. Không chỉ là một dấu son trong sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp mà còn là một cột mốc quan trọng cho ngành chứng khoán.
Sự nghiệp phát triển thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm, thị trường vẫn còn nhiều mục tiêu cao hơn cần được chinh phục, tuy nhiên sự ghi nhận này là động lực quan trọng, cổ vũ các nhà tạo lập thị trường nói riêng và tất cả các thành viên thị trường nói chung, để làm sao thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, người dân biết đến chứng khoán nhiều hơn, hiểu và tin tưởng vào kênh tài chính quan trọng này.