Hãy duy trì lý trí, đừng đánh giá một công ty chỉ qua những con số thống kê cổ phiếu và phải luôn chú ý đến sự nhạy bén, chính trực của đội ngũ quản lý.
Charlie Munger là một nhà đầu tư thông thái và được coi như "cánh tay phải" của tỷ phú Warren Buffett. Cuộc trò chuyện gần đây của ông với các cựu sinh viên Học Viện Công Nghệ California (CalTech) tiết lộ khá nhiều điều về đầu tư.
Tại buổi trò chuyện, một người tham gia đã hỏi Charlie Munger rằng: “Mọi người nên đặt cược vào một khoản đầu tư có lợi nhuận lớn như thế nào? Và cách dạy điều này tại CalTech?”
Và đây là câu trả lời của Charlie Munger:
“Tôi không nghĩ CalTech có thể đào tạo ra những nhà đầu tư lớn từ số đông. Bởi ở một mức độ nào đó, một số người - cũng giống như các kỳ thủ cờ vua – gần như được sinh ra để trở thành một nhà đầu tư.
Hiển nhiên, để trở thành một nhà đầu tư giỏi, bạn cần phải có hiểu biết sâu rộng. Nhưng bên cạnh đó cũng có những yếu tố không kém phần quan trọng như tính khí, sự hài lòng và bạn phải luôn sẵn sàng chờ đợi.
Một khoản đầu tư tốt đòi hỏi một sự kết hợp kỳ lạ giữa sự kiên nhẫn và quyết liệt và không nhiều người có được điều này.
Nó cũng đồng thời đòi hỏi người đầu tư phải có sự nhận biết về bản thân, rằng mình biết gì và không biết gì. Bạn phải hiểu rõ năng lực của chính mình".
Tỷ phú Charlie Munger là Phó Chủ tịch của Tập đoàn Berkshire Hathaway. Ảnh: AP
Hãy cùng phân tích cụ thể câu trả lời của Charlie Munger.
1. Một số người sinh ra để trở thành nhà đầu tư
Bạn khó có thể học được mọi thứ khi tham gia lĩnh vực đầu tư. Tất nhiên, bạn có thể đọc tất cả những cuốn sách hay về đầu tư, bạn cũng có thể nghiên cứu kinh nghiệm của những nhà đầu tư huyền thoại từ xưa đến nay. Nhưng những điều đó là chưa đủ. Để trở thành nhà đầu tư giỏi, bạn cần có những phẩm chất nhất định mà một vài người thì có, trong khi những người khác lại không.
2. Tính cách
Tại sao lại là tính cách? Nó có tác động như thế nào đến việc đầu tư? Hãy tưởng tượng bạn là một nhà đầu tư và mọi thứ đang diễn ra không như ý muốn của bạn. Các khoản đầu tư của bạn trên thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng thua lỗ. Đồng nghiệp không đồng ý với bạn. Khách hàng bắt đầu nghi ngờ năng lực của bạn. Nói tóm lại, bạn có một năm khá tệ. Vậy khi đó, liệu bạn vẫn có thể tuân thủ quy trình đầu tư hợp lý của mình hay bạn sẽ gục ngã, sẽ chịu thua và bắt đầu chệch hướng trong nỗ lực “thà muộn còn hơn không”?
3. Kiên nhẫn
Đừng làm gì khi không có gì đáng để làm. Điều này nghe có vẻ rất đơn giản, thế nhưng với hầu hết các nhà đầu tư, nó dường như rất khó nắm bắt. Họ tự thuyết phục bản thân hoặc tin vào lời thuyết phục của người khác rằng giá như họ đủ thông minh, đủ chăm chỉ, rằng ngoài kia luôn có gì đó dành cho những người thông minh thực hiện. Vì thế, họ trượt dài trên con dốc có tên “vừa đủ”. Mỗi thỏa hiệp có vẻ vô cùng nhỏ, thậm chí nhiều người còn không nhận thức được đó là sự thỏa hiệp, nhưng đến cuối cùng, khi tất cả cùng dồn lại, nó sẽ khiến họ đi quá khuôn khổ đầu tư mà mình mong muốn.
4. Quyết đoán
Có một thực tế là khi thực sự đến lúc cần hành động, hầu hết các nhà đầu tư lại không đủ quyết đoán. Cách đây khoảng 20 năm, huyền thoại đầu tư Peter Lynch đã từng có cuộc trò chuyện với các nhà phân tích và quản lý danh mục đầu tư của Fidelity. Ông đưa ra lời khuyên rằng khi họ tìm thấy một ý tưởng đầu tư tuyệt vời, đừng ngần ngại chi nhiều gấp 3, 4 lần cho khoản đầu tư đó. Cả hội trường đã lặng im, không ai lên tiếng phản đối. Thế nhưng ngày hôm sau, khi các nhà quản lý danh mục đầu tư trở lại văn phòng của mình, không một ai thay đổi cách tiếp cận hoặc danh mục đầu tư, với hàng trăm khoản đầu tư nhỏ lẻ không đáng kể của mình.
5. Hiểu rõ năng lực của bản thân
Với tư cách là một nhà đầu tư, tự nhận thức về các khía cạnh, năng lực của bản thân là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn không chắc liệu có thứ gì đó bên trong chiếc hộp hay không, thì câu trả lời rất đơn giản: không có. Bạn hầu như không thiệt thòi gì khi kiên nhẫn chờ đợi, miễn là bạn vẫn đang tích cực theo đuổi một vài cơ hội đầu tư tuyệt vời mà mình gặp phải. Tuy nhiên, có không ít người cố sức tìm ra đáp án cho một câu hỏi hóc búa, mà nếu là một nhà đầu tư, đáng lẽ họ nên bỏ qua để tiếp tục tiến lên. Tự tin thì tốt, nhưng tự tin thái quá thì hoàn toàn không hay.
Chỉ một câu trả lời đơn giản, nhưng Charlie Munger đã mang đến cho người nghe những hiểu biết sâu sắc hơn về việc đầu tư. Hãy duy trì lý trí, đừng đánh giá một công ty chỉ qua những con số thống kê cổ phiếu và phải luôn chú ý đến sự nhạy bén và chính trực của đội ngũ quản lý.
Cuối cùng, bạn sẽ không thể trở thành nhà đầu tư giỏi nếu không làm được hai điều tưởng như đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng. Thứ nhất: hãy kiên nhẫn khi không có gì để làm. Thứ hai, hãy quyết đoán trong những dịp hiếm hoi khi bạn được soi sáng và khi bạn có cơ hội thực hiện một vụ đầu tư mang lại lợi nhuận lớn.