Việc xuất hiện ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng tại TP.HCM sau 88 ngày bình yên đang khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán có tâm lý thận trọng, đã có những lo ngại về việc thị trường sẽ bị ảnh hưởng nếu các ca nhiễm tăng cao. Tuy nhiên, nhìn lại diễn biến từ đầu năm đến nay có thể thấy, thị trường chứng khoán đã gần như “miễn nhiễm” với dịch bệnh.
Thị trường chứng khoán kết thúc tháng 11 với mức tăng gần 8,4% dành cho Vn-Index và 9,13% dành cho HNX-Index với tâm lý hứng khởi của các nhà đầu tư. Thanh khoản thị trường thường xuyên lập kỷ lục, thậm chí có những phiên khối lượng giao dịch đạt tới 12.000 tỷ đồng chứng tỏ nhà đầu tư đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi xu thế tăng của chỉ số.
Sự tăng trưởng này không những đem lại các khoản lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả các doanh nghiệp, ngân hàng cũng kiếm bộn tiền.
Vắc xin của thị trường
Có lẽ thị trường sẽ cứ thế leo dốc nếu không đột ngột đối diện với những ca lây nhiễn Covid-19 mới trong cộng đồng đang khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn. Tại diễn đàn dành cho các nhà đầu tư chứng khoán, nhiều ý kiến tiêu cực về việc Vn-Index sẽ “bốc hơi” vài chục điểm trong giai đoạn tới đã được đưa ra.
Thị trường chứng khoán vẫn có thể nối dài đà tăng trong tháng 12.
Lo ngại cũng hoàn toàn có cơ sở khi bên cạnh dịch bệnh xuất hiện trở lại thì hiện nay các cổ phiếu vốn hóa lớn hỗ trợ thị trường đã chạm, thậm chí vượt qua đỉnh năm 2019 nên việc điều chỉnh về vùng giá hợp lý hơn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại yếu tố trực tiếp hỗ trợ đà tăng của thị trường trong thời gian qua là việc mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh trong khi các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, trái phiếu chưa thật sự hấp dẫn ở thời điểm này.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng chứng khoán Việt phục hồi mạnh mẽ còn bởi những kỳ vọng.
Theo ông Andy Ho-Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital, thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài xu hướng chung của các thị trường chứng khoán thế giới, đã tăng trưởng mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đặc biệt là việc Chính phủ đã kiểm soát thành công đại dịch trong nước, giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục các hoạt động kinh tế và bắt đầu phục hồi từ quý III/2020. Trong khi nhiều quốc gia đối mặt với mức sụt giảm kinh tế nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 3%/năm.
Hơn nữa, các công bố tích cực gần đây về sự ra đời sớm của vắc-xin Covid-19 cũng giúp thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời hình thành kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế toàn cầu sớm hơn dự kiến.
Khẳng định đà tăng vững chãi của thị trường, các chuyên gia trong nước cũng cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng được đẩy mạnh như hạ lãi suất điều hành, cung cấp các gói tín dụng ưu đãi, cho phép giãn, hoãn trả nợ, giảm lãi vay, cho vay mới với lãi suất thấp hơn... cũng giúp giảm bớt áp lực cho nền kinh tế và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư.
Không ngại Covid-19
Nhìn vào những diễn biến đã qua có thể thấy, đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam đang được "bảo hộ" khá vững chắc, lo ngại của nhà đầu tư dù có cơ sở nhưng những yếu tố đó chưa đủ để khiến thị trường có thể lung lay.
Về diễn biến của dịch bệnh đối với thị trường chứng khoán có thể chia làm 3 giai đoạn: Đầu tiên là thời điểm Covid-19 lan rộng tại Trung Quốc vào tháng 2 và 3 khiến Vn-Index giảm về mức đáy 659 điểm, tương đương mức giảm 33,5%; Giai đoạn hai là hồi giữa năm khi dịch bùng phát trở lại tại Đà Nẵng, tuy nhiên thời điểm này thị trường đã có những bước hồi phục đáng kể, chỉ phản ứng với tin xấu 1,2 phiên sau đó tiếp tục nối dài đà tăng; Giai đoạn 3 là hiện nay khi phát hiện thêm những ca lây nhiễm ngoài cộng đồng mới tại TP.HCM.
Nhận định về việc thị trường có thể chịu tác động bởi lần bùng dịch mới này, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset cho biết, với các thông tin về Covid-19 thị trường đã được thẩm thấu từ nhiều tháng trước. Bên cạnh đó, do đã có kinh nghiệm phòng chống dịch nên công tác khoanh vùng được thực hiện tốt nên sẽ không có tác động tới kinh tế và tài chính.
Cũng theo ông Tuấn, thị trường hiện đã tăng lên vùng giá hợp lý với PE vào khoảng 17 lần. Trong tháng 12, Vn-Index sẽ hướng tới vùng điểm 1.050 điểm. Hỗ trợ chính cho thị trường thời gian tới vẫn là dòng tiền nội dồi dào và quá trình nâng hạng thị trường của MSCI đã trở lại giai đoạn đầu.
Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam cho biết, thị trường vẫn có thể duy trì đà tăng trong tháng 12, các rủi ro ngắn hạn đã giảm dần, Vn-Index có thể hưởng tới mức 1.035 điểm.
Liên quan đến các vấn đề của dịch bệnh, ông Minh cho rằng, tác động từ yếu tố dịch sẽ ngày càng giảm dần dù phần nào thông tin về dịch bệnh sẽ tác động tới kinh tế và thị trường tài chính của thành phố tuy nhiên mức độ nghiêm trọng sẽ ít hơn so với lần 1.
Trong khi đó, năm 2021 được dự báo lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp hiện nay, dòng tiền vào thị trường bất động sản có khả năng bị đóng băng do Covid-19 nên trong trung hạn, thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, ông Minh vẫn khuyến nghị các nhà đầu tư ưu tiên quản trị rủi ro, nên tập trung vào các cổ phiếu vốn hoá lớn còn khả năng tăng trưởng và có câu chuyện, hạn chế dòng cổ phiếu có tính đầu cơ cao.