VN-Index có thể kéo dài xung lực tăng trong tháng cuối cùng của năm với vùng mục tiêu 1.040-1.050 (tăng 4-5%).
Áp lực định giá gia tăng trở lại sau khi P/E 12 tháng của VN-Index gia tăng lên 16x.
Theo báo cáo "Kinh tế vĩ mô tháng 11 và triển vọng thị trường chứng khoán tháng 12", Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết thị trường đang trải qua một trong những giai đoạn tăng dài nhất trong lịch sử kể từ xác lập đáy trong tháng 3 với mức tăng trên 50%.
Sự bùng nổ thanh khoản đang diễn ra với giá trị giao dịch liên tục xác lập các mốc cao kỷ lục đang phản ánh tâm lý hưng phấn không ngừng gia tăng của nhà đầu tư trong nước. Vẫn luôn có một lượng lớn tiền chờ sẵn để tham gia tại mức mức giá rẻ hơn. Chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ tăng cường trong thời gian tới, không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho sự gia tăng giá trị của tài sản rủi ro trong bối cảnh các kênh tài sản khác như vàng, USD, tiền gửi… tiếp tục kém hấp dẫn, mà còn hỗ trợ cho bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp nói chung trong các quý tiếp theo.
Nỗi lo sợ về đại dịch đã giảm đi đáng kể sau những tín hiệu lạc quan về Vaccine cho Covid-19. Các đợt tiêm vaccine được kỳ vọng sẽ được tiến hành ngay trong tháng 12 tại Mỹ và châu Âu cũng như một số nước châu Á nếu không có sự trục trặc nào về mặt kỹ thuật và phân phối. Đây sẽ là cú hích đưa đưa kinh tế toàn cầu sớm trở lại bình thường mới. MASVN nhận thấy giá dầu và giá hàng hóa cơ bản phục hồi tích cực trong tháng qua.
Các doanh nghiệp sẽ bắt đầu công bố kết quả lợi nhuận ước tính quý IV và cả năm 2020, cũng như kế hoạch kinh doanh 2021 và mức chia cổ tức dự kiến. Những thông tin này luôn là chất xúc tác cho thị trường vào cuối năm. Dù vậy, kết quả công bố sẽ khiến thị trường sự phân hóa rõ ràng hơn.
Hoạt động bán ròng của khối ngoại ghi nhận giảm trong tháng 11 và xu thế này được kỳ vọng sẽ tiếp tục sau khi MSCI tiến hành gia tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu Việt Nam kể từ đầu tháng 12. Lực mua của nhà đầu tư tổ chức vào giai đoạn cuối năm cũng đóng vai trò hỗ trợ.
Ngoài ra, kế hoạch niêm yết, chuyển sàn của nhóm ngân hàng trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ giữ thị trường sôi động.
Xung lực tăng có thể không mạnh như tháng 11
MASVN đánh giá thấp kịch bản diều chỉnh trong tháng 12 do các yếu tố hỗ trợ vẫn đang lấn át. Dù vậy, xung lực tăng có thể không mạnh như tháng 11 sau giai đoạn thị trường ghi nhận sự hưng phấn đặc biệt. Theo MASVN, VN-Index có thể duy trì xu hướng trong tháng cuối cùng của năm với vùng mục tiêu 1.040-1.050 (tăng 4-5%).
Vaccine hiệu quả có thể ngăn chặn Covid-19, nhưng hiện tại số ca nhiễm mới trên thế giới tiếp tục gia tăng và vượt mốc 65 triệu ca, có lẽ thế giới cần nhiều thời gian để vượt qua. Trong khi đó, Việt Nam ghi nhận các ca nhiễm Covid trong cộng đồng sau khi kiểm soát tốt trong 3 tháng vừa qua khiến cho tâm lý nhà đầu tư phần nào lo ngại, thúc đẩy hoạt động chốt lời. Tuy nhiên, MASVN cho rằng thị trường khó giảm sâu khi Chính phủ một lần nữa sẽ tiến hành truy vết, cách ly và kiểm soát dịch hiệu quả như 2 lần trước đó.
Ở khía cạnh khác, việc dừng các chuyến bay thương mại đón khách về Việt Nam từ đầu tháng 12 có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của ngành hàng không, cũng như làm chậm quá trình xúc tiền đầu tư từ nước ngoài trong ngắn hạn.
Trong khi đó, áp lực định giá gia tăng trở lại sau khi P/E 12 tháng của VN-Index gia tăng lên 16x, một lần nữa vượt qua mốc trung bình 5 năm. Trong đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa đã tăng nóng gần đây cũng chịu áp lực điều chỉnh kỹ thuật trước áp lực chốt lời. Nói cách khác, mức độ phân hóa sẽ diễn ra rõ nét hơn khi thị trường nếu thị trường thiếu vắng các nhân tố hỗ trợ mới. Nhà đầu tư sẽ ngày càng chú trọng hơn việc bảo vệ thành quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, nhất là mùa nghĩ lễ cuối năm đang đến rất gần.
Tóm lại, sau mỗi giai đoạn thị trường bứt phá nhanh là những nhịp điều chỉnh để xây dựng mặt bằng giá mới. Vùng 980-1.000 điểm đang được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cho phần còn lại của năm 2020. Trong điều kiện bình thường, VN-Index thiên về củng cố trên mốc 1.000 điểm.