Bộ Tài chính vừa đưa Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ra lấy ý kiến. Theo Bộ, trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu, thị trường TPDN phát triển "nóng" với nhiều hình thức đang được triển khai, bao gồm cả hình thức không minh bạch, lợi dụng phát hành trái phiếu cho mục tiêu “đặc biệt” của doanh nghiệp.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp huy động vốn theo phương thức phát hành ra công chúng và niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán, phù hợp với định hướng mở rộng thị trường chính thức, thu hẹp thị trường tự do để đảm bảo sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Đồng thời, điều này cũng giúp tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc huy động vốn, tăng khả năng quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, minh bạch.
Dự thảo lần này bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.
Nếu muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp lựa chọn kênh phát hành ra công chúng với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định điều kiện về khoảng cách giữa các đợt phát hành tối thiểu là 6 tháng nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm tại Nghị định 163.
Đối với lãi suất vay vốn, Bộ cho biết Luật Dân sự năm 2015 quy định mức lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20% năm, pháp luật về thuế cũng có quy định về mức chi phí lãi vay hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Căn cứ vào các quy định trên, nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định của Luật Dân sự năm 2015, quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của doanh nghiệp khi xác định thu nhập tính thuế TNDN theo quy định của pháp luật về thuế.
Từ năm 2018, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ do tín dụng bị siết chặt, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn dẫn tới khả năng tiếp cận vốn trong một số ngành nghề rủi ro giảm. Ngược lại, các điều kiện phát hành được nới lỏng cho trái phiếu theo Nghị định 163/2018.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2018 gấp đôi năm 2017. Năm 2019, thị trường ghi nhận 280.141 tỷ đồng huy động từ kênh trái phiếu, tăng 25% so với năm 2018. Lượng phát hành lớn trong năm đẩy quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng từ 9% GDP (2018) lên khoảng 11,3% GDP (2019), tổng lượng trái phiếu lưu hành đạt gần 670.000 tỷ đồng.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.