Tổng lượng tín phiếu lưu hành hiện tại là 61.000 tỷ đồng trong khi kênh OMO vẫn duy trì số dư bằng 0, các giao dịch ngoại tệ cũng tạm ngừng. NHNN quay trở lại hút ròng sau hơn 1 tháng bơm ròng trước đó. Tuy vậy, lượng tiền đồng quay về hệ thống ngân hàng sau Tết Nguyên đán khiến thanh khoản của các NHTM vẫn dồi dào.
Trên liên ngân hàng, lãi suất VND giảm liên tục, chốt tuần ở mức 2,55%/năm (giảm 53 điểm cơ bản) với kỳ hạn qua đêm và 2,8%/năm (giảm 64 điểm cơ bản) với kỳ hạn một tuần. Trong khi đó, tâm lý thận trọng trước những biến động quốc tế khiến lãi suất USD nhích tăng 4 điểm cơ bản, chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp từ 1,45%/năm xuống 0,9%/năm với kỳ hạn qua đêm.
Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi ổn định ở 4,1-5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Trong cuộc họp với 21 ngân hàng thương mại (NHTM) ngày 6/2, đại diện NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không được tăng lãi suất cũng như có các biện pháp hỗ trợ khách hàng vay để giảm thiểu thiệt hại với nền kinh tế do ảnh hưởng của virus Corona. Dịch bệnh này có thế khiến lãi suất huy động và cho vay khó giảm hơn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãi suất vẫn có khả năng giảm nhưng có thể sẽ đến chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu.
Dịch nCoV vẫn tiếp tục hoành hành với tổng số người tử vong đã trên 900 người, vượt qua số người thiệt mạng trong đại dịch SARS. Tâm lý thị trường nhìn chung rất thận trọng và xoay quanh tâm điểm là diễn biến dịch bệnh. Tuy vậy, các nỗ lực từ chính quyền Trung Quốc cũng hỗ trợ các thị trường hồi phục phần nào trong tuần qua.
USD tăng giá
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm 1,2 tỷ CNY (tương đương 174 tỷ USD) qua giao dịch mua kỳ hạn (OMO) trên thị trường mở, hạ lãi suất OMO 10 điểm cơ bản ở cả kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, xuống tương ứng là 2,4% và 2,55%/năm. Phía Trung Quốc cũng tuyên bố cắt giảm một nửa thuế đánh lên 75 tỷ hàng hóa Mỹ từ ngày 14/2. CNY mở đầu tuần giảm tới 1,6% nhưng đã hồi phục dần sau đó, chốt tuần ở mức 7.0025 CNY/USD, mất giá 1,33% so với tuần trước.
USD tăng giá khá mạnh nhờ động thái cắt giảm thuế của Trung Quốc và những thông tin tích cực của nền kinh tế Mỹ. Chỉ số PMI phi sản xuất tháng 1 của Mỹ tăng từ 54,9 lên 55,5, các số liệu việc làm tốt hơn kỳ vọng. Chỉ số DXY tăng liên tục lên mức 98,68, hầu hết các đồng tiền đều giảm giá khá mạnh so với USD ngoại trừ đồng tiền một số nước vốn chịu ảnh hưởng lớn của thương chiến Mỹ - Trung như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ. GBP và EUR giảm tới 2,36% và 1,33% so với tuần trước USD do hai bên đều đang tỏ ra rất cứng rắn trong đàm phán hậu Brexit.
Chịu áp lực của diễn biến quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng nhích tăng 40 đồng/USD tại ngân hàng, lên mức 23.140/23.310, tỷ giá trung tâm tăng 5 đồng/USD, lên mức 23.201 đồng/USD. Tỷ giá tự do có bước điều chỉnh giảm 10 đồng/USD chiều mua vào và tăng 10 đồng/USD chiều bán ra, ở mức 23.190/23.210.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm trong quý I do ảnh hưởng của dịch corona. Trong tháng 1, kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm 11,3% so với cùng kỳ do Tết nguyên đán đến sớm. Cán cân thương mại thâm hụt 100 triệu USD trong khi 4 năm liền trước đều ghi nhận thặng dư.
Dòng vốn FDI tương đối khả quan, vốn giải ngân trong tháng đạt 1,6 tỷ USD, tương đương cùng kỳ 2019. Vốn FDI đăng ký tháng 1 đạt 5,33 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ 2019. Việc NHNN mua liên tục ngoại tệ từ đầu 2019 đến nay đã gia tăng dự trữ ngoại hối, củng cố bộ đệm để ứng phó với các biến động. Tỷ giá giao dịch trên ngân hàng có thể sẽ dao động lớn hơn nhưng nếu có tăng thì mức tăng sẽ không nhiều, xoay quanh mức 23.175đ/USD – là tỷ giá mua vào của NHNN và vẫn cách khá xa đỉnh ghi nhận trong 2019, trừ khi có những diễn biến trầm trọng hơn của dịch bệnh.