Mở trang trại với quy mô 4.000 con bò, trên quỹ đất khoảng 200 ha của CTCP Giống bò Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), là định hướng sau được bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk (HoSE:
VNM) chia sẻ tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2020 của GTNfoods (HoSE:
GTN), sáng 15/2.
Nói về chiến lược GTNfood, công ty mẹ của Mộc Châu Milk, sau khi Vinamilk nắm cổ phần chi phối, bà Liên cho biết mục tiêu là để cả 2 cùng phát triển và mở rộng thị trường. Lĩnh vực cốt lõi của Vinamilk chủ yếu là sữa nên những ngành nghề không hiệu quả tại GTNfoods sẽ bán. Sau khi tái cơ cấu, công ty sẽ tập trung vào Mộc Châu Milk, tận dụng kinh nghiệm trong ngành của Vinamilk.
Trước mặt, GTNfoods sẽ khảo sát lại quỹ đất và xây dựng trang trại sữa chất lượng cao, sữa hữa cơ, sữa sạch… Diện tích đất cần phải đủ để bò hoạt động và nghỉ ngơi, đảm bảo nguồn thức ăn khô xanh, cứ 100 ha thì sẽ nuôi 2.000 bò.
Bên cạnh đó, công ty cũng tiến hành nâng cấp máy móc, thiết bị đầu ra để các nhà máy đáp ứng đủ công suất. Hiện nay, với 220 tấn sữa một ngày, nhà máy có thể đáp ứng tương đối nhưng nếu nâng lên 500 tấn sẽ không đủ công suất. Khi thị trường đủ lớn, công ty sẽ xây nhà máy mới để đồng bộ, đảm bảo được hiệu quả và thu hồi vốn.
Với đơn vị khác như Vinatea với quỹ đất cũng rất lớn, định hướng công ty sẽ tập trung sản phẩm để xuất khẩu vì tiêu thụ trong nước khó. “Những gì người dân làm tràn lan thì khó cạnh tranh trong nước”, CEO Vinamilk nói. Tuy nhiên, thứ tự công việc sẽ cần cân nhắc, trước mắt mục tiêu là chấm dứt lỗ, hòa vốn và bắt đầu có lãi. Hiện nay, GTNfoods còn sở hữu khoảng 20% tại Vinatea, sẽ tham gia vào định hướng chiến lược.
Ban lãnh đạo sẽ xây dựng chiến lược 5 năm cụ thể cho toàn công ty và trình cổ đông để tiện theo dõi. "Vinamilk chỉ mới tham gia GTNfoods từ cuối tháng 12 và giờ mới đầu tháng 2 nên chưa thể nói trước quá nhiều", bà Liên nói.
Bà Mai Kiều Liên là một trong 5 ứng viên sẽ được cổ đồng bầu tham gia vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2024. Ngoài bà Liên, Giám đốc tài chính kiêm Kế toán trưởng ông Lê Thành Liêm và Giám đốc Phát triển vùng nguyên liệu Trịnh Quốc Dũng cũng ứng cử. Hai lãnh đạo này sẽ đại diện nắm giữ 20% vốn GTNfoods mỗi người. Từ đầu năm 2020, ông Dũng là CEO của GTNfoods.
Ngoài ra, ông Đỗ Lê Hùng ứng cử thành viên HĐQT độc lập. Ông Hùng đang là thành viên HĐQT độc lập cho nhiều doanh nghiệp như Vinamilk, Dược Hậu Giang, BĐS An Gia, Kho vận miền Nam…
Ứng viên duy nhất của HĐQT nhiệm kỳ cũ là ông Nghiêm Văn Thắng - Phó Chủ tịch GTNfoods, Chủ tịch Mộc Châu Milk, Phó Chủ tịch Vinatea…
Với nhân sự Ban kiểm soát, 2 nhân sự đến từ Vinamilk được đề cử là bà Nguyễn Đức Diệu Thơ và bà Hà Thị Diệu Thu. Thành viên còn lại là bà Cao Thị Hồng, giám đốc chiến lược của GTNfoods, cựu CEO của chứng khoán IB.
Năm ngoái, Vinamilk sau nhiều lần chào mua đã trở thành công ty mẹ GTNfoods khi nắm giữ 75% vốn. Giữa bối cảnh biến động lớn về cổ đông, GTNfoods báo lỗ lũy kế tới cuối năm 2019 là 204 tỷ đồng và qua đó đề xuất không phân phối lợi nhuận.
Năm 2020, GTNFoods đặt chỉ tiêu doanh thu thuần hợp nhất 2.909 tỷ, giảm 2% và lợi nhuận sau thuế 99 tỷ đồng, gấp 7,6 lần năm trước. Năm trước, công ty lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 62 tỷ đồng chủ yếu do quý IV lỗ 69 tỷ đồng vì hoạt động thoái vốn tại các công ty con. Công ty thực hiện 89% kế hoạch doanh thu và không hoàn thành kế hoạch lãi 90 tỷ đồng cho cổ đông công ty mẹ.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.