Năm 2020, Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán SSI – SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng sẽ tăng 22,5%, đứng đầu các ngành. Với định hướng tăng trưởng tín dụng 14% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lợi nhuận các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ tiếp tục đi lên với động lực chính từ cho vay.
Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích Chứng khoán SSI, cho vay của các ngân hàng đang rất tốt. Dù tín dụng được kiểm soát theo chỉ tiêu NHNN giao cho từng đơn vị, các nhà băng có thể cải thiện NIM nhờ mở rộng mảng bán lẻ, đặc biệt là tại các ngân hàng quốc doanh. Điều này cũng giúp giảm thiểu rủi ro tập trung trong hoạt động tín dụng.
Xu hướng cho vay bán lẻ đã xuất hiện trong 3-4 năm gần đây tại các ngân hàng tư nhân như ACB, VIB, VPBank, HDBank… và một số ngân hàng Nhà nước như Vietcombank, MB, VietinBank, BIDV. VPBank và HDBank đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh trở lại của mảng tài chính tiêu dùng từ quý II (với FE Credit) và quý III (với HD Saison).
Riêng tại VPBank, lợi nhuận trước thuế đến từ phân khúc khách hàng cá nhân 2019 đã tăng hơn 125% so với năm trước, cao nhất trong lịch sử. Đây là kết quả của định hướng tập trung đầu tư hệ thống trên mô hình ngân hàng bán lẻ hiện đại mà VPBank theo đuổi.
Ngân hàng đã khai thác sâu tệp khách hàng cá nhân hiện hữu, kết hợp đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng hệ sinh thái qua nhiều sản phẩm và dịch vụ tài chính. Mặt khác, phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng 94% về lợi nhuận trước thuế, khách hàng doanh nghiệp lớn cũng được cải thiện.
Trong điều kiện kinh tế thuận lợi và các dấu hiệu phục hồi gần đây, mảng tài chính tiêu dùng nói riêng và cho vay bán lẻ được dự báo tăng trưởng trong năm 2020.
Cải thiện nợ xấu và tăng thu dịch vụ mở dư địa tăng trưởng
Trong 2 năm từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2019, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, có tổng số 236.800 tỷ đồng nợ VAMC được xử lý, tương đương với số nợ trung bình mỗi tháng 9.600 tỷ đồng, hơn gấp đôi số nợ xử lý trung bình mỗi tháng trong giai đoạn 2012-2017, theo thống kê của CTCK.
Đến cuối năm 2019, nhiều ngân hàng đã xử lý hết dư nợ trái phiếu tại VAMC, gồm Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, MB, OCB, Nam A Bank, VPBank. Theo đó, tỷ lệ chi phí dự phòng so với thu nhập hoạt động dự kiến sẽ giảm vào năm 2020.
VPBank là ngân hàng gần nhất xử lý xong nợ tại VAMC sau khi “mạnh tay” trích lập dự phòng trong năm 2019, đẩy chi phí dự phòng của ngân hàng mẹ tăng 35% so với 2018. Việc xử lý dứt điểm trái phiếu VAMC sẽ giúp giảm gánh nặng dự phòng vào năm tới trong bối cảnh ngân hàng mẹ đã giảm tỷ lệ nợ xấu từ hơn 4% về 2,18%.
Thu nhập dịch vụ với sự thúc đẩy từ bancassurance, đặc biệt là mảng phân phối bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng của các ngân hàng.
Doanh thu phí mảng bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng đã tăng với tốc độ bình quân 86% mỗi năm giai đoạn 2016-2018, đưa tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập phí BHNT trong 9 tháng đầu 2019 lên 15,8%. Mảng BHNT sẽ còn tiếp tục thâm nhập sâu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng thu nhập bancassurance trong thời gian tới. Năm 2019, thu nhập từ bancassurance tăng mạnh nhất tại VIB hơn tăng 360% đạt 1.111 tỷ đồng, theo sau là VPBank hơn 33% đạt 2.900 tỷ đồng.
Tính chung, lãi thuần từ dịch vụ của VIB gấp đôi năm trước, trong khi với VPBank tăng 84,2%. Nếu tính về số tuyệt đối, VPBank là ngân hàng có doanh thu phí dịch vụ lớn nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Bên cạnh bảo hiểm, thu phí dịch vụ sẽ được đóng góp từ kinh doanh thẻ và thanh toán.
VPBank được gọi tên
Trong nhiều báo cáo khuyến nghị, nhận định về thị trường năm 2020, VPBank là điểm chung được nhiều bên phân tích đánh giá triển vọng như SSI Research, VDSC, VCBS, J.P. Morgan…
Theo các Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), FE Credit sẽ tiếp tục đóng góp khoảng 60% và 51% vào thu nhập lãi hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Ảnh hưởng của Thông tư 18/2019 đến FE Credit sẽ không quá lớn, do quy định chỉ áp dụng với khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng bằng tiền mặt và đưa ra lộ trình 4 năm.
Bên cạnh đó, ngân hàng mẹ tiếp tục chuyển đổi số hóa, hướng đến tăng trưởng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và giao dịch ngân hàng, qua đó tối ưu hóa chi phí vốn (CoF). Ngân hàng cũng đang đa dạng hóa thu nhập ngoài lãi.
Việc mở rộng cho vay thẻ tín dụng cũng sẽ đóng góp vào tăng trưởng thu nhập dịch vụ, bên cạnh bancassurance độc quyền với AIA, và phí thanh toán của toàn ngân hàng, theo nhận định VDSC. Mảng dịch vụ dự kiến sẽ tăng trưởng kép bình quân 28% mỗi năm.
Cùng với đà tăng của thu nhập hoạt động, việc tiết giảm chi phí vận hành nhờ đầu tư công nghệ giúp VPBank tăng hiệu quả hoạt động. Ngân hàng đã khởi động các dự án số hóa khá sớm so với các ngân hàng khác.
CIR của các ngân hàng năm 2019. Đơn vị: %
Năm 2019, VPBank có tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp nhất hệ thống ở mức gần 34%, cải thiện so với mức 34,2% của năm trước. Trong khi đó, NIM của ngân hàng đạt gần 9,7%, cao vượt so với mặt bằng chung 3,13%. Đây cũng là lý do giúp ROA trước dự phòng 2019 của nhà băng này cao nhất hệ thống, đạt 6,81%, theo Fiinpro.
VPBank cũng đã được phê duyệt áp dụng CAR theo Thông tư 41/2019 sớm hơn so với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Hệ số đòn bẩy thấp và CAR cao sẽ cho phép VPBank tăng trưởng với tốc độ cao hơn. SSI Research dự báo ngân hàng sẽ lãi trước thuế hơn 13.000 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 26% so với 2019.
Nguồn: Fiinpro.
CTCK cũng nhận định P/B của VPBank đang hấp dẫn, dù cổ phiếu không còn room nước ngoài. Tại giá ngày 7/2, P/B ngân hàng này ở mức 1,53 lần. Ở khía cạnh room nước ngoài, một điểm tích cực là các công ty quản lý quỹ nội đang trong quá trình xin cấp phép hoặc IPO các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) theo 3 chỉ số VN Diamond, VN FIN Lead, VN FIN Select hay VN30. Với 3 chỉ số mới, VPBank dự kiến sẽ nằm trong top các cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất.
Thu Hằng
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.