• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 8:43:54 SA - Mở cửa
Có cần thiết nới lỏng chính sách tiền tệ?
Nguồn tin: Người đồng hành | 17/02/2020 1:18:02 CH
NHNN vừa qua chỉ đạo các ngân hàng thương mại (TCTD) có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (Covid-19) như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay... Một số ngân hàng đã công bố nhiều chính sách như giảm lãi suất 1-1,5%, miễn phí giao dịch… với các khách hàng vay vốn bị thiệt hại bởi dịch viêm phổi cấp. 
 
Trong báo cáo triển vọng tháng 2, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng ảnh hưởng từ dịch bệnh có thể là động lực cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 
 
Một số nước khu vực Đông Nam Á đã có động thái cắt giảm lãi suất giữa bối cảnh nền kinh tế chậm lại do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp Covid-19. Ngân hàng Trung ương Philippines vừa quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,75%. Trước đó, Thái Lan cũng hạ lãi suất xuống còn 1% trong bối cảnh ngành du lịch bị thiệt hại nặng vì dịch cúm virus corona. 
 
Đánh giá về khả năng Việt Nam thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trước tình hình dịch bệnh 2019-nCoV, tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng nới lỏng tiền tệ đúng về góc độ chuyên môn. Nới lỏng cũng chính là các động thái giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ, miễn phí dịch vụ, các khoản thanh toán, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến nền kinh tế, việc nới lỏng tiền tệ là cần thiết. 
 
Vừa qua, NHNN chỉ đạo các NHTM có chính sách theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp sẽ có tác động tích cực trong thời gian khó khăn hiện nay. Mặt khác, ông Tín cũng cho rằng dùng từ “nới lỏng” hay “thắt chặt” mang tính chuyên môn khiến nhiều người lo ngại, nên hiểu đơn giản là chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
 
“Nếu nới lỏng, nhiều người sợ cái này, sợ cái kia. Nhưng trong thời buổi này mà không có chính sách của Nhà nước thì không thể được”, ông Tín nói. Nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tác động đến lạm phát, nhưng nhu cầu của xã hội đang rất thấp, sức mua yếu. Do đó, vấn đề lạm phát không đáng ngại.
 
Mặt khác, theo ông, cung tiền của hệ thống còn dư sức nên không nhất thiết phải tăng lượng cung tiền. Sức mua yếu nên ngay cả bơm tiền cũng không giải quyết được vấn đề.
 
Tình hình dịch bệnh chưa thể dự báo thời điểm kết thúc, do đó ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ vẫn tiếp diễn. Có thể trong vài tháng hoặc 6 tháng tới, tình hình doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, NHNN sẽ cần đưa chính sách linh hoạt và bám sát thị trường.
 
“Khi một người bị bệnh, sốt 42-45 độ thì không thể tốn thời gian đi xét nghiệm, cần phải cho ngay thuốc hạ sốt. Sau đó mới cho đi xét nghiệm, để nắm tình trạng, đưa ra phương án điều trị. Nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng tương tự”, ông Tín lấy ví dụ. Theo ông, trước mắt cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp. Các biện pháp giảm lãi suất cho vay cũng chưa chắc đã ảnh hưởng tới lạm phát.
 
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng các gói tài trợ doanh nghiệp, nông dân, và chính sách tiền tệ nới lỏng là biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Ông Hiếu nhận định nền kinh tế năm nay gặp nhiều thử thách hơn năm trước, vì thế một chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết. Đó có thể là tìm cách giảm lãi suất, các gói hỗ trợ của NHNN với một số đối tượng của nền kinh tế.
 
Chuyên gia kinh tế Trần Kinh Doanh cũng cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất, miễn phí giao dịch… là đúng và hợp lý ở thời điểm hiện nay. Dù vậy, vị này không bình luận về khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ.
 
Chưa đến lúc nới lỏng chính sách tiền tệ
 
Ở góc nhìn khác, một số chuyên gia tỏ ra thận trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa tài chính ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ là nhằm khuyến khích chi tiêu, tạo động lực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ tăng tổng cầu. Tuy nhiên, đây là lý thuyết.
 
Hiện nay, người dân giảm chi tiêu không phải vì hàng hóa đắt đỏ, mà vì dịch bệnh, nên hạn chế mua sắm, du lịch, các hoạt động không cần thiết chỗ đông người. Vì vậy, giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ để kích thích chi tiêu khó có hiệu quả. Trong khi đó, luôn tiềm ẩn rủi ro lạm phát và các mặt trái khác.
 
Tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định năm nay, dịch bệnh khiến tăng trưởng kinh tế có thể chậm lại kéo theo nhu cầu vốn cho nền kinh tế giảm, tỷ giá ổn định, vốn cho bất động sản bị siết… 
 
Dư địa giảm lãi suất điều hành là có, song thực tế, lãi suất điều hành ở Việt Nam không tác động nhiều đến lãi suất thị trường. Mặt khác, các ngân hàng ở Việt Nam vẫn chịu rất nhiều áp lực về huy động vốn để đáp ứng chuẩn Basel II. Vì vậy, khả năng mặt bằng lãi suất 2 năm tới giảm sâu khó xảy ra.
 
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng cho rằng mặt bằng lãi suất như hiện nay là hợp lý. Để có nguồn vốn phục vụ nền kinh tế, lãi suất huy động nên giữ mức tương đối hấp dẫn để khuyến khích người dân tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng.
 
Trong báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng, tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đưa ra kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất là dịch bệnh tiếp tục diễn biến như trong thời gian qua, nhưng được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới. 
 
Các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý II.  GDP năm 2020 Việt Nam ước giảm khoảng 0,83 điểm phần trăm. Trong đó, GDP quý I giảm 1,23 điểm phần trăm và GDP quý II giảm 0,71 điểm phần trăm.
 
 
Lê Hải
 

Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.