CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) có báo cáo về hiệp định EVFTA đối với ngân hàng Việt Nam. Hiện tại, so với các ngân hàng châu Âu, thị trường Việt Nam tỏ ra hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng châu Á, do một phần liên quan đến đặc điểm địa lý. Hiện chỉ có 3 ngân hàng từ EU có chi nhánh hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa có ngân hàng 100% vốn từ EU đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Về mặt đầu tư, các ngân hàng Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các tổ chức quốc tế. Chuyên gia thuộc J.P.Morgan đánh giá các ngân hàng Việt Nam là cơ hội đầu tư nổi trội ở Đông Nam Á. Dù vậy, nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) gặp rào cản lớn về mặt pháp lý liên quan đến trần giới hạn sở hữu 30% của NĐTNN tại các ngân hàng Việt Nam. Với cam kết từ EVFTA này, các ngân hàng châu Âu hiện có hoạt động ngân hàng đầu tư (IB) mạnh tại thị trường Việt Nam (như Deustche Bank, Norges Bank) và Đông Nam Á nói chung sẽ hứng thú hơn.
Mặt khác, khi được nới room, các ngân hàng mục tiêu sẽ được tiếp cận nguồn vốn lớn, hỗ trợ mở rộng hoạt động tín dụng, trong bối cảnh bị giới hạn tỷ lệ dư nợ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 85% theo Thông tư 22/2019. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để tiếp cận bộ máy quản trị hiệu quả từ nhà đầu tư rót vốn và vươn ra thị trường quốc tế. Nguồn: IVS.
Trên thực tế, các ngân hàng châu Âu đều có thế mạnh về quy mô, kinh nghiệm cũng như chuẩn mực quản trị cao (đều đang áp dụng Basel III và tiến hành đến Basel IV). Vì vậy, việc lựa chọn đối tác phải dựa trên các tiêu chí nhằm đảm bảo được lợi nhuận đầu tư (biên lợi nhuận tốt), kiểm soát rủi ro hiệu quả, nâng cao hình ảnh của tổ chức (cơ hội tăng trưởng và có thế mạnh trong phân khúc khai thác), đặc biệt đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong khâu quản trị vận hành (Basel II và Basel III, báo cáo theo chuẩn mực IFRS).
Vừa qua, hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn, mở ra cơ hội cho 2 phía tham gia nhiều hơn vào thị trường lẫn nhau. Hiệp định dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7.
Việt Nam và EU sẽ có các cam kết, ưu đãi về thương mại, dịch vụ và đầu tư. Với dịch vụ ngân hàng, trong vòng 5 năm từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (không áp dụng với BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank).
Ngân hàng châu Âu sẽ là bên đề xuất với ngành ngân hàng. Trong vòng 5 năm từ ngày hiệp định EVFTA có hiệu lực, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ xem xét đề xuất của các tổ chức tín dụng của Liên minh Châu Âu (EU) về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ số cổ phần trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam lên tới 49% vốn điều lệ. Thỏa thuận nêu trên sẽ được tiến hành tự nguyện giữa các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam và các tổ chức tín dụng của châu Âu.
Lê Hải
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.