Tính tới hết 12/3, VN-Index giảm 21% kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán trước ảnh hưởng dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Thị trường lao dốc trong cả tuần này trước ảnh hưởng của thị trường thế giới và biến động giá dầu. Nhiều cổ phiếu về đáy 1 năm.
Diễn biến VN-Index trong 3 tháng qua. Nguồn: VNDirect
Trước diễn biến đó, những thông tin tích cực có thể hỗ trợ cho cổ phiếu có lẽ là kế hoạch mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp, thông tin đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Đồng thời, mùa họp ĐHĐCĐ thường niên đang tới, bên cạnh kế hoạch kinh doanh thì tỷ lệ cổ tức chốt chia cho năm 2019 cũng nhận được nhiều sự quan tâm.
Loạt doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ
Mới đây, Tập đoàn
PAN (HoSE:
PAN) công bố sẽ mua lại tối đa 21,6 triệu cổ phiếu, tương đương với 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Việc mua lại cổ phiếu nhằm mục đích giảm số lượng cổ phiếu lưu hành và gia tăng giá trị cho cổ đông. Thời gian giao dịch dự kiến sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ và công ty thực hiện công bố thông tin theo quy định.
Với mục đích bình ổn giá thị trường, HĐQT Công ty Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco, HoSE:
HDC) lên kế hoạch mua lại tối đa 2 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với giá mua theo thị trường nhưng không quá 17.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và sau 15 ngày kể từ khi UBCKNN chấp thuận phương án giao dịch.
TPBank (HoSE:
TPB) đăng ký mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,17% vốn điều lệ từ ngày 20/3 đến 18/4 qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Gạch ngói Đồng Nai (UPCoM:
GND) muốn mua lại cổ phiếu với khối lượng 900.000 cổ phiếu, tương đương với 10% vốn điều lệ.
PVI (HNX:
PVI) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua chủ trương mua tối đa 11,6 triệu cổ phiếu (tương đương 5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) làm cổ phiếu quỹ. Thời gian thực hiện trong năm 2020.
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE:
DIG) cho biết sẽ triển khai phương án mua 15 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 4,7% vốn điều lệ với mục đích tối đa hóa lợi ích cổ đông và doanh nghiệp.
Công ty Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (HoSE:
CTI) quyết định chào mua công khai 18,9 triệu cổ phiếu, tương đương với 30% vốn để giảm số lượng cổ phiếu đang lưu hành và tăng lợi ích cho cổ đông. Giá chào mua công khai là 22.100 đồng/cp và có thể thay đổi theo quyết định của Chủ tịch HĐQT tại thời điểm đăng ký mua.
HĐQT Công ty Bất động sản và Đầu tư
VRC (HoSE:
VRC) trình cổ đông phương án mua lại tối đa 20% số lượng cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ, ứng 10 triệu cổ phiếu.
Với mục tiêu gia tăng khối lượng cổ phiếu quỹ, HĐQT Công ty Đạt Phương (HoSE:
DPG) đã thông qua phương án mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ với khối lượng tối đa 1,5 triệu đơn vị, tương đương với 3,33% vốn điều lệ.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều cổ phiếu liên tục giảm sàn thì ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cho biết UBCK sẽ xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp trong vòng 1 ngày, thay vì xử lý trong vòng 7 ngày như quy định tại Thông tư 162/2015/TT-
BTC.
Lãnh đạo cũng ra tay
Không chỉ doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, lãnh đạo và người có liên quan cũng đăng ký mua khối lượng lớn cổ phiếu. Ví như ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG) đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu với mục đích là sở hữu cổ phiếu
HPG. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 17/3 đến 16/4 thông qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT CTCP Halcom Việt Nam (HoSE:
HID) đăng ký mua 4,2 triệu cổ phiếu nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 34,82% vốn điều lệ, tương đương gần 20,5 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 11/3 đến 9/4 theo phương thức khớp lệnh và thoả thuận.
Bà Hà Nguyệt Nhi, Chủ tịch Công ty Tàu cao tốc Superdong – Kiên Giang (HoSE:
SKG) đăng ký mua vào 1,2 triệu cổ phiếu
SKG với thời gian giao dịch từ ngày 6/3 đến hết 3/4. Nếu giao dịch thành công, bà Nguyệt Nhi sẽ nắm giữ hơn 2,6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 4,14% vốn công ty.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, con gái Chủ tịch HĐQT Đặng Nhị Nương của CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX:
AMV) đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu
AMV, tương đương 5,3% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện qua phương thức khớp lệnh và thỏa thuận, từ ngày 2/3 đến 1/4.
Những khoản cổ tức cao
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, HĐQT Công ty
FPT (HoSE:
FPT) sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 tỷ lệ 20%, trong đó 10% đã trả trong năm 2019 và 10% còn lại thực hiện sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt dự kiến trong quý II. Đồng thời, công ty cũng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Thời điểm thực hiện sẽ cùng với trả cổ tức tiền mặt còn lại của năm 2019.
HĐQT Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE:
PNJ) sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt 2019 tỷ lệ 18%, đã tạm ứng 8%. Ngoài cổ tức tiền mặt, công ty cũng có phương án phát hành 22,5 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, ứng tỷ lệ 10% tăng vốn điều lệ lên 2.478 tỷ đồng.
Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE:
DBC) vừa thông qua phương án trả cổ tức bổ sung năm 2018 với tỷ lệ 5% bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thông qua trả cổ tức năm 2019 với tổng tỷ lệ 15% gồm 10% bằng cổ phiếu và 5% tiền mặt.
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE:
CII) dự kiến trình cổ đông phương án chia cổ tức 32%, trong đó 16% bằng tiền. 16% cổ tức còn lại, HĐQT đề nghị được ủy quyền quyết định hình thức chi trả bằng tiền hoặc cổ phiếu, hoặc cả hai.
Lãnh đạo CTCP Đầu tư
LDG (HoSE:
LDG) cho biết sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức 7% bằng tiền. Trong nhiều năm qua, công ty thực hiện chính sách trả cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ khoảng 18 - 25% và nếu được thông qua, đây là năm đầu tiên trong lịch sử cổ tức được trả bằng tiền.
Dù có nhiều thông tin hỗ trợ nhưng diễn biến thị trường phiên 13/3 vẫn tiếp tục giảm mạnh, nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm sàn hoặc có giá đỏ, VN-Index có thời điểm giảm hơn 40 điểm.
Ngọc Điểm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.