MSCI châu Á Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng hơn 1% về cuối phiên 2/3, với nhiều chỉ số lớn phục hồi mạnh mẽ sau đợt điều chỉnh cuối tuần trước.
Tăng mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Trung Quốc bất chấp lĩnh vực kinh tế cho thấy sự suy yếu chưa từng thấy. Tổng cục Thống kê Trung Quốc ngày 29/2 cho biết chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất xuống 35,7 trong tháng 2, ghi nhận mức thấp kỷ lục và thấp hơn nhiều so với mức 50 của tháng trước. Nguyên nhân là đơn hàng và việc làm tại các nhà máy giảm mạnh khi các doanh nghiệp phải đóng cửa và thắt chặt chính sách đi lại để hạn chế dịch Covid-19 lây lan.
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc ngày 1/3 cho biết sẽ gia hạn thời gian trả nợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu áp lực lớn và có nguy cơ phá sản bởi dịch Covid-19 tới cuối tháng 6.
Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 3,1% và 3,8%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,6%. Ngoài ra, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,9% và 0,8%.
Trong khi đó, thị trường cổ phiếu Thái Lan, Australia và New Zealand tiếp tục điều chỉnh. SET 50 giảm 0,4%, ASX 200 và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 0,8% và 1,4%. Ngoài ra, chỉ số cơ bản của Indonesia và Malaysia đều giảm hơn 1%.
Bên cạnh biện pháp kích thích mới của Trung Quốc, giới đầu tư lạc quan vào khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ hạ lãi suất sau khi thị trường cổ phiếu toàn cầu rơi vào đợt điều chỉnh mạnh cuối tuần trước do dịch Covid-19 lan nhanh ra nhiều nơi.
Người đứng đầu của ngân hàng trung ương Mỹ và Nhật Bản gần đây đều đánh tín hiệu sẽ triển khai biện pháp hỗ trợ kinh tế nếu dịch Covid-19 gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Thị trường dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất 0,5% trong tháng 3, và ngân hàng trung ương Australia hạ lãi suất 0,25% trong tuần này. Cũng trong tuần này, ngân hàng trung ương Canada sẽ họp chính sách.