Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 4,1% trong phiên sáng 23/3, với hầu hết chỉ số lớn trong khu vực giảm ít nhất 2%.
Giảm mạnh nhất khu vực là cổ phiếu New Zealand với NZX 50 mất gần 950 điểm, tương đương giảm 10,3%. Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu sau khi Ngân hàng Dự trữ New Zealand ngày 23/3 thông báo sẽ bắt đầu mua 17 tỷ USD trái phiếu chính phủ từ tuần này và duy trì trong 12 tháng tới.
Tuần trước, cơ quan này hạ lãi suất khẩn cấp 0,75% xuống thấp kỷ lục ở 0,25% và cam kết duy trì mức lãi suất này ít nhất 12 tháng. Đồng thời, gói kích thích tài chính trị giá 12,1 tỷ đôla New Zealand cũng được triển khai để khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra.
ASX 200 của Australia giảm 7%, là chỉ số giảm mạnh thứ 2 ở khu vực. Trong đó, dẫn đầu làn sóng bị bán tháo là cổ phiếu tài chính với giá cổ phiếu ANZ giảm 7,5%, Commonwealth Bank of Australia giảm 6,7%, Westpac giảm 8,8%, National Australia Bank giảm 8,7%. Nguyên nhân là Ngân hàng Dự trữ Australia liên tiếp hạ lãi suất cơ bản hai lần trong tháng 3, đồng thời bơm khẩn cấp hàng tỷ USD thanh khoản vào hệ thống ngân hàng.
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 2,8% và 3,5%. Hang Seng của Hong Kong mất hơn 1.000 điểm, tương đương giảm 4,6%
Kospi của Hàn Quốc tiếp tục giảm 5,1% sau khi thị trường phải tạm thời ngắt bảng điện trong đầu phiên vì giới đầu tư bán tháo quá mức.
Tại Đông Nam Á, Straits Times giảm 7,9%, Jakarta Composite giảm 4%, KLCI của Malaysia giảm 3%. Ở chiều ngược lại, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,2%.
Tại thị trường Mỹ, hợp đồng tương lai của Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq-100 cho thấy dấu hiệu giới đầu tư có thể bán tháo cổ phiếu khi mở phiên 23/3. Dow Jones futures giảm khoảng 800 điểm, tương đương hơn 4%. S&P 500 futures và Nasdaq-100 futures lần lượt giảm 96 điểm và 255 điểm. Đầu phiên, các hợp đồng này chạm giới hạn dưới khi giảm 5%, buộc thị trường phải tạm ngừng giao dịch.
Theo James Sullivan, trưởng phòng nghiên cứu chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản )tại JPMorgan, thị trường châu Á sẽ tiếp tục giao dịch với tâm lý tiêu cực trước các tin tức về dịch Covid-19 tại châu Âu và Mỹ. Trong đó, Mỹ ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục và tăng mạnh nhất thế giới trong ngày 22/3, trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới. Các ổ dịch lớn tiếp theo đều nằm ở châu Âu, trong đó Italia là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới.
Thanh Long/Theo CNBC, Reuters
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.