MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 4,3% trong phiên chiều 19/3, với tất cả chỉ số lớn trong khu vực đều giảm điểm.
Giảm mạnh nhất khu vực là cổ phiếu Hàn Quốc với Kospi giảm 8,4%. Giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng khi số ca nhiễm mới trong ngày 18/3 bất ngờ tăng mạnh 152 ca, sau 4 ngày liên tiếp ghi nhận chưa tới 100 ca dương tính.
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite giảm 1% trong khi Shenzhen Composite tăng 0,3%. Hang Seng của Hong Kong giảm 2,6% và Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1%.
ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt giảm 3,4% và 3,6%. Trong đó, số liệu mới nhất cho thấy dịch Covid-19 đang ảnh hưởng đến thị trường việc làm của Australia, với tỷ lệ thất nghiệp tháng 2 (sau khi điều chỉnh theo mùa) là 5,1%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore giảm 4,4%, Jakarta Composite của Indonesia giảm 5,2%, PSE Composite giảm 13,3%...
Hàn Quốc, Indonesia và Philippines là 3 thị trường phải kích hoạt lệnh tạm ngừng giao dịch trong phiên sáng do chỉ số chính giảm vượt giới hạn.
Giới đầu tư tiếp tục bán các tài sản rủi ro dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định khởi động chương trình mua chứng khoán khẩn cấp trị giá gần 821 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế vượt qua dịch Covid-19. Động thái của ECB diễn ra sau loạt quyết định hạ lãi suất khẩn cấp và tung gói kích thích tài chính khổng lồ trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại các biện pháp kích thích khó có thể giúp kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng. S&P Global Ratings cho rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái, với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2020 sẽ giảm hơn một nửa xuống chưa tới 3%. Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế tại JPMorgan dự đoán kinh tế Mỹ sẽ giảm 14% trong quý II.