Kể từ đầu năm, giá dầu đã giảm hơn 20% bất chấp OPEC cùng các đồng minh (tức OPEC+) giảm sản lượng 1,7 triệu thùng/ngày cho tới cuối tháng 3. Giá dầu Brent giảm 6 phiên liên tiếp do lo ngại nhu cầu giảm bởi gián đoạn sản xuất liên quan đến Covid-19 trước khi bật tăng lên vùng 52 USD/thùng.
Thị trường năng lượng đang chờ xem OPEC+ có cắt giảm thêm sản lượng để hỗ trợ giá dầu trong cuộc họp ngày 5 – 6/3). Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô năm 2020 từ 1,2 triệu thùng/ngày xuống còn 600.000 thùng/ngày, hạ giá dự báo của dầu Brent từ 63 USD/thùng xuống 60 USD/thùng.
Giá dầu Brent theo dữ liệu Tradingeconomics.
Giá cổ phiếu PVB, PVD, GAS giảm sâu
Ngành dầu khí được cấu trúc thành 3 nhóm loại hình chính, bao gồm thượng nguồn (upstream - tìm kiếm, thăm dò), trung nguồn (midstream - vận chuyển) và hạ nguồn (downstream lọc dầu, hoá dầu, hoá khí, phân phối). Càng về phía thượng nguồn, doanh nghiệp càng cần vốn đầu tư lớn và kết quả kinh doanh chịu tác động của giá dầu lớn hơn.
Dù được dự báo có nhiều việc hơn từ các dự án đang triển khai như Sao Vàng Đại Nguyệt, Sư Tử Trắng, Nam Côn Sơn 2, LNG Thị Vải… nhưng các cổ phiếu nhóm thượng nguồn và trung nguồn vẫn chịu áp lực giảm giá rất lớn khi giá dầu diễn biến xấu.
Cổ phiếu PVB của công ty Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV Coating) giảm 16% từ đầu năm về mức 15.300 đồng/cp. Triển vọng lợi nhuận của PV Coating phụ thuộc nhiều vào kế hoạch đầu tư của công ty mẹ PV Gas, nhất là dự án đường ống dẫn khí 126 km ngoài khơi Nam Côn Sơn 2 và đường ống Sao Vàng Đại Nguyệt.
Năm 2019, PV Coating ghi nhận doanh thu 383 tỷ đồng, tăng 89%. Nhờ kết quả khởi sắc cuối năm, công ty xóa được lỗ 9 tháng và ghi nhận lãi hơn 38 tỷ đồng cả năm, tăng 65% so với năm 2018 và gấp đôi kế hoạch đề ra.
Cổ phiếu Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (HoSE: PVD) giảm gần 20% từ đầu năm về 12.100 đồng/cp. PVD có nhiều việc hơn khi nhu cầu khoan tại Đông Nam Á được cải thiện, tuy nhiên giá thuê giàn khoan còn thấp cùng giá dầu giảm sâu là tác nhân tiêu cực. Cổ phiếu Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) giảm 13% từ đầu năm về vùng 15.200 đồng/cp.
Giá cổ phiếu PVD, PVB, GAS, PVS giảm sâu. Đồ thị: VNDirect.
Nằm chủ yếu ở phân khúc trung nguồn, cổ phiếu Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas, HoSE: GAS) giảm 15% từ đầu năm về mức 80.000 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa bốc hơi hơn 26.000 tỷ đồng.
Cả năm 2019 PV Gas ghi nhận doanh thu giảm nhẹ còn 75.348 tỷ đồng. Hoạt động tài chính hiệu quả cùng tiết giảm chi phí giúp doanh nghiệp có lãi 12.159 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 6.146 đồng.
Năm 2020, công ty đặt kế hoạch doanh thu còn 66.163 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 8.294 tỷ đồng. Các kế hoạch sản lượng khí, condensate và LPG cũng đều thấp hơn năm 2019. Được biết các kế hoạch này được xây dựng trên kịch bản giá dầu 60 USD.
SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận ròng của PV Gas đạt 2,9% trong năm 2020. Sản lượng khí khô trong giai đoạn 2020-2021 hầu như sẽ đi ngang (khoảng 10 tỷ m3 như hiện tại), do nguồn khí mới Sao Vàng Đại Nguyệt sẽ bắt đầu cung cấp trong quý IV chỉ có thể bù đắp cho phần giảm sản lượng tại bể Nam Côn Sơn. Tăng trưởng sản lượng khí đáng kể có thể bắt đầu vào cuối năm 2022 khi dự án LNG Thị Vải đi vào hoạt động và sau đó là dự án LNG Sơn Mỹ.
Nhóm hạ nguồn cũng điều chỉnh
Hoạt động ở cuối chu trình ngành dầu khí, Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đang gặp nhiều khó khăn về cả kinh doanh, thể chế hay hoạt động quản trị doanh nghiệp. Cổ phiếu BSR từ khi lên sàn có xu hướng đi xuống và hiện còn khoảng 8.000 đồng/cp.
Với đặc thù chế biến liên tục, Bình Sơn luôn cần duy trì một lượng dầu thô tồn kho và cần thời gian chế biến để ra sản phẩm đầu cuối. Với diễn biến giá dầu xấu đi có thể buộc doanh nghiệp trích lập dự phòng hàng tồn kho nhiều hơn và gây áp lực lên biên lợi nhuận.
Ngoài ra, Bình Sơn còn chịu áp lực từ các biến số khác như nguồn cung lớn từ nhà máy Nghi Sơn, tiến độ nâng cấp mở rộng nhà máy, chính sách thuế ưu đãi doanh nghiệp, chính sách thu điều tiết, chính sách nhập khẩu dầu thô… Tiến trình thoái vốn Nhà nước, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược hay thu xếp vốn cho dự án mở rộng cũng bỏ ngỏ.
Trong năm 2020, Nhà máy lọc dầu sẽ tạm dừng hoạt động trong 51 ngày để bảo dưỡng (12/6/2020 - 1/8/2020). Theo đó BSR xây dựng kế hoạch sản lượng chỉ còn 5,56 triệu tấn và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ còn 1.183 tỷ đồng (năm 2019 có sản lượng hơn 6,9 triệu tấn và lãi 2.795 tỷ đồng).
Nhóm cổ phiếu hạ nguồn dầu khí cũng điều chỉnh. Đồ thị: VNDirect.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu bán lẻ xăng dầu PV Oil (UPCoM: OIL) giảm 16% thị giá xuống 7.000 đồng/cp. PV Oil dù đang mở rộng nhanh nhưng chưa mang nhiều hiệu quả. Doanh thu công ty tăng qua từng năm và đạt kỷ lục 79.920 tỷ đồng năm 2019; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế có chiều hưởng giảm chỉ còn 330 tỷ đồng.
Cổ phiếu OIL bị điều chỉnh còn ảnh hưởng từ việc chậm trễ trong lộ trình thoái vốn nhà nước, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, khả năng tăng thị phần và cải thiện hiệu quả biên lợi nhuận, khả năng thương thảo hợp đồng với các nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn…
Lan Điền
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.