Dow Jones giảm 410,32 điểm, tương đương 1,84%, xuống 21.917,16 điểm. S&P 500 giảm 42,06 điểm, tương đương 1,6%, xuống 2.584,59 điểm. Nasdaq giảm 74,05 điểm, tương đương 0,95%, xuống 7.700,1 điểm.
Chốt quý I, Dow Jones giảm 23,2%, S&P 500 giảm 20%, Nasdaq giảm 14,2%. Đây là quý giảm mạnh nhất kể từ “thứ Hai đen tối” 19/10/1987 đối với Dow Jones, kể từ khủng hoảng tài chính 2008 đối với S&P 500 trong bối cảnh cuộc khủng hoảng virus corona tại Mỹ ngày càng nghiêm trọng, khiến hoạt động kinh doanh đình trệ.
Đây còn là quý I giảm mạnh nhất lịch sử của S&P 500 do người tiêu dùng được khuyên ở nhà, các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa, nhân viên phải nghỉ việc hàng loạt. Hệ quả, các nhà kinh tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2020, nhà đầu tư lo ngại các doanh nghiệp vỡ nợ và sa thải nhân viên có thể dẫn đến suy thoái sâu.
Mỹ đã triển khai các biện pháp tài chính và tiền tệ chưa từng có để hỗ trợ thị trường chứng khoán tuần trước sau khi chứng khiến Phố Wall biến động mạnh, S&P 500 tăng 9% rồi giảm 12% trong hai phiên liên tiếp. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ để nhà đầu tư thêm tự tin.
“Sau những thiệt hại trong tháng 2, nhà đầu tư không sẵn lòng đánh cược nhiều vào bất kỳ xu hướng nào lúc này, đặc biệt là khi thị trường sắp có các báo cáo lợi nhuận quý sớm vào tuần sau”, theo Carol Schleif, phó giám đốc đầu tư tại Abbot Downing, Minneapolis, bang Minneasota.
Nhà đầu tư còn chờ số liệu xin thất nghiệp lần đầu hàng tuần vào ngày 2/4 và bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 vào ngày 3/4, Steven DeSanctis, chiến lược gia tại Jefferies, nói.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 31/3 là 13,13 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 15,75 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên giao dịch gần nhất.
Như Tâm/ Theo Reuters
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.