Theo kết quả báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 giảm gần 1,6% so với tháng trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân là giá xăng dầu giảm mạnh và nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm khác cũng giảm giá, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất, gần 14%, do 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Đồng thời, giá vé và giá bán các phương tiện giao thông cũng giảm do thực hiện các chính sách kích cầu, giải phóng hàng tồn kho. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng trưởng âm, nguyên nhân là do nhiều hộ gia đình hạ tiền thuê nhà để hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Lạm phát cơ bản tháng 4 giảm nhẹ so với tháng trước và tăng hơn 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng gần 3%.
Ngoài ra, giá vàng trong nước đã tăng theo giá vàng thế giới, do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19. Điều này làm cho nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Bình quân giá vàng thế giới tháng 4 tăng 6,74% so với tháng trước. Tại thị trường trong nước, giá vàng cũng tăng nhẹ so với tháng trước nhưng lại tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có dấu hiệu suy giảm, giới đầu tư có xu hướng nắm giữ tiền mặt và một số hệ thống ngân hàng trung ước tạ một số quốc gia phải tái cấu trúc hoặc cơ cấu vốn nên đồng USD trên thị trường thế giới tăng.
Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Chỉ số giá USD tháng 4 tăng nhẹ, gần 1% so với tháng trước và tăng gần 1,2% so với cùng kỳ năm trước.