Kể từ cuối tháng 3/2020 tới ngày 21/5, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán như Vn-Index tăng hơn 30%, HNX-Index tăng gần 14,1%. Trước đó, trong quý I, Vn-Index đã ghi nhận mức giảm hơn 31%, từ 960.99 điểm ngày 2/1 xuống 662.53 điểm ngày 31/3.
Trong gần 2 tháng vừa qua, tâm lý thị trường từ bi quan đã chuyển sang hưng phấn đã giúp các chỉ số thị trường phục hồi nhanh, hiện Vn-Index chỉ còn thấp hơn khoảng 10% so với bình quân 3 tháng trước khi sụt giảm bởi đại dịch Covid-19.
Hiệu ứng dòng tiền mới
Đà tăng mạnh đang diễn ra của thị trường có sự đồng pha với diễn biến thị trường thế giới, với kỳ vọng các nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại sau giai đoạn cách ly xã hội nhằm phòng chống dịch và các hoạt động kinh tế sớm trở lại guồng quay bình thường, nhất là khi chính phủ và ngân hàng trung ương nhiều nước đồng loạt có các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.
Đáng chú ý, chỉ trong tháng 4 thị trường đã đón thêm 36.867 tài khoản mới với chủ yếu là các nhà đầu tư trong nước, trong khi giai đoạn 4 tháng đầu năm, khối ngoại tập trung bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị đạt gần 17.054 tỷ đồng.
Đặc biệt, mức giao dịch bình quân hàng ngày trong tháng 3 và 4 đều vượt ngưỡng bình quân 6.500 tỷ đồng/ngày, trong khi mức bình quân 2019 đến nay không vượt quá 5.500 tỷ đồng/ngày. Thị phần của khối nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm xuống dưới mức 10%. Thanh khoản chung tăng, nhà đầu tư nước ngoài mua ít hơn thì phần còn lại chỉ có thể là do nhà đầu tư trong nước tăng mua.
Qua đây có thể thấy, dòng tiền mới đổ vào thị trường của các nhà đầu tư trong nước đã đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi của thị trường.
Theo đánh giá của ông Trần Hải Hà – Tổng giám đốc CTCK MB (
MBS), đầu tư chứng khoán có thắng, có thua nhưng lượng nhà đầu tư mới vào cuộc đang vừa tiếp sức, vừa góp phần thành lọc một số nhà đầu tư cũ, tạo nên một nền tẳng mới cho sức cầu trên thị trường.
Hơn nữa, giá cổ phiếu cải thiện đã khiến lo ngại về sự đổ vỡ của hàng loạt doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có cầm cố, thế chấp cổ phiếu để vay vốn, hay vay nợ nước ngoài, vơi nhẹ, giúp tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái cân bằng.
Đặc biệt, sau nhiều tháng bán ròng, khối ngoại đã tạm dừng hoạt động này trong thời gian gần đây cũng là một chỉ báo cho thấy áp lực suy giảm thêm đã dừng lại. Ông Hải nhận định, chưa thể chắc chắn việc thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc nhưng cũng có thể tạm yên tâm.
Thực tế, các cổ phiếu tăng giá mạnh so với đáy đang chia làm 2 loại, một loại đang điều chỉnh ngược, nhằm sửa sai cho mức suy giảm mạnh do bán tháo vì nỗi lo đại dịch. Loại khác là tăng theo kỳ vọng của nhà đầu tư, kỳ vọng đầu tư công, kỳ vọng thị trường châu Âu mở cửa trở lại, kỳ vọng lực mua của cổ đông nội bộ và mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp…
Lạc quan quá đà?
Dù thị trường đang trong diễn biến thăng hoa nhưng nếu quan sát kỹ có thể thấy, sự bứt phá chỉ đang thể hiện tâm lý kỳ vọng của các nhà đầu tư cá nhân. Thực tế là đã có không ít các nhà đầu tư tổ chức đã nhanh chân thoái vốn, lực mua của doanh nghiệp và các lãnh đạo doanh nghiệp đang chỉ mang tính chất công bố khi số lượng mua vào thấp hơn số lượng đăng ký.
Có thể kể đến trường hợp của CTCP GTNfoods (mã:
GTN) chỉ mua được 1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 11,11% so với lượng cổ phiếu dự kiến mua ; Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (mã:
GEX) mua được 15,57% lượng cổ phiếu đăng ký; CTCP Tập đoàn
PAN (mã:
PAN) mua thành công 30,81% tổng lượng cổ phiếu đăng ký ; CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (
HDC) mua được 31,16% cổ phiếu đã đăng ký…
Dù sắp hết thời hạn đăng ký mua nhưng CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã:
TLG) mới mua được 1 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 69,57% lượng cổ phiếu đăng ký; CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (mã:
KDH) mua được 19,85 triệu cổ phiếu, tương ứng 73,52% lượng đăng ký; CTCP Phú Tài (mã:
PTB) mua được 1,19 triệu cổ phiếu, tương ứng 79,02% lượng đăng ký.
Trong khi đó, lãnh đạo của CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã:
MWG) là Đặng Minh Lượm không mua được cổ phiếu nào trong tổng số 290.000 cổ phiếu đăng ký, Vũ Đăng Linh mua được 14,3% trong tổng số 70.000 cổ phiếu đăng ký, Lý Trần Kim Ngân mua được 50% trong tổng số 50.000 cổ phiếu đăng ký.
Tương tự, lãnh đạo CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã:
SCR) là Vũ Quốc Thái mua được 33,6% trong tổng số 1 triệu đơn vị đăng ký, Nguyễn Đăng Thanh mua được 13,7% lượng cổ phiếu đăng ký. Tình trạng tương tự diễn ra ở
HCM,
TMS,
AAA,
PC1,
DVN,
PNJ,
VNM…
Ngoài ra, việc dòng tiền chảy nhanh và mạnh vào thị trường chứng khoán khiến tâm lý nhà đầu tư hứng khởi, nhưng cũng có nhà đầu tư cảm thấy mơ hồ, bởi giá cổ phiếu phục hồi mạnh trong bối cảnh triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung vẫn khó khăn.
Bởi lẽ, ảnh hưởng của dịch bệnh tới các doanh nghiệp Việt sẽ rõ nét hơn trong quý II và được dự báo sẽ còn xấu hơn quý I. Trong giai đoạn tới, sẽ có doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản hoặc ít nhất là hoạt động kinh doanh suy giảm.
Vì vậy, có chuyên gia nhận định thị trường có thể kiểm tra lại vùng 650 điểm. “Thị trường giảm gần 300 điểm rồi hồi lại gần 100 điểm là chuyện bình thường, chưa thể nói là đã hồi phục”, vị chuyên gia này cho biết.