Năm 2020 là đáy kinh doanh của FPT Retail
Chiều ngày 28/5, Công ty Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE:
FRT) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông năm 2020. Năm 2020, công ty đề ra mục tiêu doanh thu 15.320 tỷ đồng, giảm 8% và lợi nhuận trước thuế dự kiến 220 tỷ đồng, giảm 21%.
Năm 2019, doanh thu của FPT Retail tăng hơn 5% lên gần 17.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm sâu 36% còn 278 tỷ đồng. Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp, kết quả này là do cuối năm ngoái công ty có trích lập dự phòng nợ xấu cho 2 chương trình khách hàng thân thiết là F.Friend và Subsidy, đồng thời cũng xử lý hàng phụ kiện tồn cũ, đầu tư nhiều hơn cho nhà thuốc Long Châu, đầu tư mạnh cho hệ thống công nghệ thông tin.
Cũng theo người đứng đầu doanh nghiệp, kế hoạch 2020 đã tính đến ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những ảnh hưởng của việc đóng cửa trong tháng 4 trong thời gian cách ly xã hội. Điểm sáng thời gian này là mảng online tăng cao khi đóng góp 50% tổng doanh thu, so với mức bình quân 25% trước đây.
Với chuỗi FPT Shop, công ty đặt mục tiêu doanh thu giảm từ 16.123 tỷ xuống 13.820 tỷ đồng do chủ động giảm doanh thu chương trình F.Friend và Subsidy. Do lưu lượng khách có dấu hiệu giảm xuống, công ty sẽ thực hiện nâng cao tỷ lệ thành công và giá trị trung bình của các đơn hàng, đồng thời mở rộng thêm tập khách hàng liên kết.
Với chuỗi Long Châu, công ty có kế hoạch mở mới 150 cửa hàng để nâng tổng khối lượng lên 220 cửa hàng vào cuối năm; doanh thu theo đó dự kiến tăng từ hơn 500 tỷ lên 1.500 tỷ đồng. Công ty cũng sẽ phát triển thêm các sản phẩm Private Label (nhãn hàng riêng) về thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, dược mỹ phẩm…
Với lợi nhuận kế hoạch 220 tỷ đồng năm 2020, bà Điệp cho rằng đây đã là đáy kinh doanh của công ty. Công ty có kế hoạch tăng các sản phẩm phụ kiện, đồng thời tiết giảm các chi phí như đầu tư hệ thống camera an ninh để tiết kiệm 30 tỷ đồng chi phí mỗi năm, yêu cầu tăng năng suất khối kinh doanh lên 25%...
Xây dựng kế hoạch cho năm 2021, FPT Retail đề ra mục tiêu doanh thu 18.573 tỷ đồng (riêng Long Châu đạt 3.000 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng. Kế hoạch cho năm 2022 với doanh thu 21.827 tỷ đồng (Long Châu chiếm 4.500 tỷ đồng) và lợi nhuận 370 tỷ đồng.
Doanh thu quý II dự kiến giảm 15-20% so với quý trước
Đánh giá tác động của Covid-19, bà Điệp cho biết kết quả kinh doanh bắt đầu tác động từ cuối tháng 3. Riêng tháng 4 doanh nghiệp phải đóng khoảng 170 cửa hàng, tương đương với 1/3 doanh số chuỗi FPT Shop. Dù các cửa hàng đã mở trở lại nhưng bà Điệp đánh giá thu nhập của người dân có ảnh hưởng khiến nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu giảm đi, điều này khiến doanh thu quý II có thể giảm 15-20% so với quý trước.
Về việc giảm chi phí, công ty cũng có gửi thư xin điều chỉnh và cũng được chấp thuận giảm giá mặt bằng ở hầu hết các chủ nhà với thời gian khoảng 3 tháng (tháng 4-6).
Hiện nay các nhà thuốc tư nhân muốn hoạt động đều cần có dược sĩ đứng tên, nhưng với các chuỗi nhà thuốc pháp nhân như Long Châu thì không có vấn đề khi giấy phép về mặt pháp lý vẫn là của công ty, dược sĩ chỉ có giá trị về mặt chuyên môn.
Chủ tịch FPT Retail cũng nhấn mạnh khoản đầu tư vào Long Châu đang ở giai đoạn đầu, do đó chưa thể hòa vốn. Mức đầu tư ban đầu cho nhà thuốc phụ thuộc vào quy mô nhưng dao động khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng. Bà Điệp kỳ vọng đến năm 2022 có thể hòa vốn EBITDA cho chuỗi này.
Bà Điệp cũng thẳng thắn nhìn nhận chuỗi Long Châu chưa thể “gối đầu” kịp để đảm bảo sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm đó, công ty đã bắt đầu nghiên cứu các mảng kinh doanh mới để đảm bảo sự tăng trưởng khi kinh doanh dược phẩm cũng sẽ đến lúc bước vào giai đoạn bão hòa như FPT Shop hiện nay.
Một lãnh đạo khác của FPT Retail cho biết công ty có sẵn nguồn lực lớn với 600 mặt bằng, lượng khách hàng ổn định và nhân sự chất lượng có thể dễ dàng chuyển đổi kinh doanh các sản phẩm mới phù hợp. Các mảng, sản phẩm quan tâm hiên nay như bán vé máy bay, bán bảo hiểm hay thử nghiệm mảng kinh doanh sản phẩm làm đẹp (FBeauty)…
Hiện thị trường hàng không đang phát triển nhanh chóng và lượng vé khoảng 50 triệu đơn vị mỗi năm. Lãnh đạo FPT Retail ước tính khoảng 20% lượng vé được bán qua kênh doanh nghiệp, 10-15% qua các kênh online và có đến 50-60% ở các kênh đại lý nhỏ lẻ chính là thị trường rất lớn cho doanh nghiệp khai thác.
Đại hội còn thông qua việc bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập thay thế ông Hoàng Trung Kiên. Người được đề cử là ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, sinh ngày 4/8/1974. Ông Dũng đang là Chủ tịch HĐQT của Sendo, dự kiến hỗ trợ cho mảng online của FPT Retail phát triển hơn.
Doanh nghiệp cũng tán thành phương án trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10% cho năm 2019. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý III. Đối với năm 2020, FPT Retail đặt mục tiêu cổ tức bằng tiền mặt không lớn hơn 15%.