Trạng thái đặc biệt của Hong Kong với Mỹ đang bị đe dọa trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng sau khi Bắc Kinh đề xuất luật an ninh quốc gia mới với đặc khu hành chính này.
Ngày 27/5, Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trước quốc hội Mỹ rằng Hong Kong không còn tính tự chủ cao khỏi Trung Quốc. Quốc hội Trung Quốc hôm nay bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủy quyền cho ủy ban thường vụ soạn thảo luật an ninh quốc gia mới.
“Với những diễn biến hiện tại, không ai có thể khẳng định Hong Kong vẫn duy trì mức độ tự trị cao khỏi Trung Quốc”, ông Pompeo nói.
Theo một luật của Mỹ, được thông qua năm ngoái, Hong Kong cần có mức độ tự trị nhất định để được hưởng ưu đãi thương mại với Mỹ. Hong Kong cho đến nay vẫn được miễn trừ khỏi các đợt thuế Mỹ triển khai trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Dưới đây là những ảnh hưởng tiềm ẩn nếu Hong Kong mất trạng thái đặc biệt.
Thương mại Mỹ - Hong Kong
Quan hệ thương mại Mỹ - Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu Washington áp thuế với đặc khu hành chính.
Giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa hai nền kinh tế đạt hơn 66 tỷ USD trong năm 2018, theo văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR). Xuất khẩu của Mỹ sang Hong Kong là 50,1 tỷ USD, chiều ngược lại là 16,8 tỷ USD.
Hong Kong là thị trường lớn thứ ba của rượu vang Mỹ, lớn thứ 4 và thứ 7 của thịt bò và nông sản Mỹ, trong năm 2018, theo phòng thương mại và công nghiệp Hong Kong.
“Nguy cơ lớn hơn là mất trạng thái đặc biệt sẽ dẫn đến Mỹ hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ nhạy cảm cho công ty Hong Kong”, Mark Williams, kinh tế gia trưởng về châu Á tại Capital Economics, viết trong báo cáo ngày 28/5.
“Các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị nhập khẩu của Hong Kong. Tuy nhiên, hạn chế nguồn cung các sản phẩm nhạy cảm cho công ty trụ sở Hong Kong sẽ khiến thành phố này mất đi lợi thế so với Trung Quốc”.
Doanh nghiệp Mỹ, Hong Kong đều thiệt hại
Hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động tại Hong Kong, khoảng 85.000 công dân Mỹ sinh sống ở thành phố, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.
Quan điểm coi Hong Kong là nơi hấp dẫn để làm ăn của cộng đồng quốc tế có thể bị ảnh hưởng.
“Những khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy các công ty Mỹ sẵn sàng giảm quy mô đầu tư vào thành phố”, theo Capital Economics. “Phần lớn thành công của Hong Kong dựa vào năng lực thu hút FDI và lợi thế về hiệu suất từ việc tiếp nhận các công ty có năng lực cạnh tranh tầm quốc tế".
Trong thông báo ngày 26/5, Phòng thương mại Mỹ cho biết sự tự trị của Hong Kong theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” là “một trong những tài sản lớn nhất” trong xây dựng nền kinh tế.
“Sẽ là sai lầm nếu tác động đến trạng thái đặc biệt của Hong Kong – yếu tố cơ bản để Hong Kong trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, cửa ngõ tài chính quốc tế”, theo Phòng thương mại Mỹ. Cơ quan này kêu gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump ưu tiên có quan hệ tích cực với Hong Kong.
Hiện tại, công dân Mỹ được miễn thị thực khi đến Hong Kong nhưng những hạn chế có thể xuất hiện nếu căng thẳng gia tăng, giới phân tích nhận định.
“Đánh giá của ông Pompeo đã mở ra cánh cửa để áp thuế lên hàng hóa Hong Kong, hạn chế hoặc đóng băng tài sản với các quan chức lãnh đạo. Trung Quốc từng cảnh báo đáp trả nếu Mỹ can thiệp vấn đề nội bộ nước này”, Rodrigo Catril, Ngân hàng Quốc gia Australia, nhận định.
Không ảnh hưởng đến trạng thái thương mại toàn cầu của Hong Kong
Mất đi trạng thái đặc biệt với Mỹ có thể dẫn đến nhiều hậu quả sâu rộng nhưng “không có ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái quốc tế của Hong Kong”, Capital Economics nhận định.
Hong Kong vẫn sẽ được coi là lãnh thổ hải quan độc lập bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là thực thể riêng biệt bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Tất nhiên, Mỹ khó có thể bị ngăn cản bởi các nguyên tắc WTO nếu muốn áp thuế với Hong Kong, Capital Economics nhận định.