Theo đánh giá của các chuyên gia, chưa bao giờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lại có sự liên kết, đồng thuận như hiện nay để kích cầu du lịch, bởi các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch đều mong có khách.
Khách sạn, vé máy bay giảm đến 70%
Hiện nay, nhu cầu du lịch trong nước của người dân bắt đầu tăng. Một cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy hơn 53% người được hỏi cho biết sẵn sàng đi du lịch trong mùa hè này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây mới chỉ là nhu cầu, quan trọng vẫn là các công ty du lịch sẽ kích cầu ra sao.
Là một đại lý cá nhân chuyên giới thiệu tour, phòng khách sạn cho khách du lịch, chị Hồng Hương cho hay, chưa bao giờ trong thời kỳ cao điểm du lịch mà giá tour lại rẻ đến thế. “Nếu thu xếp đi du lịch được vào thời điểm này là rất tiết kiệm”, chị Hương nói.
Điển hình, gói tour Hà Nội – Phú Quốc 3 ngày 2 đêm trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 8, Công ty Hanoitourist đang rao bán chỉ 1,499 triệu đồng/khách. Cũng ở Quy Nhơn, khách đặt combo chỉ từ 2.590.000 đồng/người để bay Bamboo Airways và ở FLC 5 sao. Với mức chi phí ước tính chỉ bằng giá trung bình cho 1 đêm phòng lưu trú thông thường, nay du khách có thể tận hưởng 2 đêm.
Trên thực tế, một số điểm đến ở phía Nam như Quy Nhơn, Phú Yên, Phú Quốc, Côn Đảo, các tỉnh Tây Nguyên..., lượng khách nội địa bắt đầu tăng trở lại do giá vé máy bay rẻ, nhiều gia đình đã vượt qua tâm lý e ngại dịch bệnh đã rủ nhau đặt vé, book phòng khách sạn đi du lịch.
Với những khách lẻ tự đặt vé máy bay, hiện tại giá vé di chuyển từ Hà Nội đến các địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước như: Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... đang được các hãng hàng không chào bán khá rẻ, khoảng 1,5 triệu đồng vé khứ hồi đã bao gồm các loại thuế, phí. Cùng với đó, các doanh nghiệp khách sạn cũng rầm rộ giảm từ 30 - 70% giá phòng.
Lâu nay, việc kết hợp với nhau vốn rất khó ở các doanh nghiệp Việt, nhưng thời điểm này có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giải trí du lịch.
“Các doanh nghiệp này đã liên kết với nhau để giảm giá tour kích cầu du lịch nội địa”, một chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp trăn trở dù giá thấp là kích cầu nhưng như vậy cũng là gánh nặng với doanh nghiệp nên cần khống chế ở mức độ nào đó để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể "sống" được.
Lối thoát từ du lịch nội địa
Theo đánh giá của bà Dương Thanh Hằng - Giám đốc Công ty Du lịch Sun Smile Travel Vietnam, các chương trình kích cầu du lịch với mục tiêu khôi phục thị trường du lịch là “cứu tinh” của các doanh nghiệp lữ hành thời kỳ hậu Covid-19.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phận khách hàng vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh Covid-19 nên xu hướng du lịch hiện nay chủ yếu là cá nhân, đi theo nhóm hoặc gia đình, ít theo đoàn công ty hay du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo...)...
Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch cần truyền thông mạnh mẽ để du khách vượt qua tâm lý lo sợ này, qua đó thu hút khách hàng sử dụng tour du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp, đơn vị du lịch cần làm mới các tour du lịch truyền thống theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tung ra những sản phẩm mới hấp dẫn như các tour thiền định, du lịch khám phá thiên nhiên, làng nghề..., qua đó kéo khách đi du lịch trong nước.
“Có thể nói du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành đều phải vào cuộc kích cầu theo hướng địa phương - điểm đến – doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân hạn chế chi tiêu”, bà Hằng lưu ý.
Trong một khảo sát gần đây về hành vi du lịch được ngành du lịch thực hiện cho thấy khách hàng đang có xu hướng lựa chọn ưu tiên về du lịch an toàn và có ưu đãi.
Tỷ trọng lớn những người được khảo sát cũng cho biết muốn du lịch biển và du lịch thiên nhiên; thực hiện các tour ngắn ngày, gần nơi mình sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ như bạn bè và gia đình. Xu hướng khách tự đặt tour (62%) và đặt phòng khách sạn/tour qua nền tảng trực tuyến (44%) cũng đang áp đảo, đòi hỏi ngành du lịch phải cơ cấu lại.
Đại diện BIM Group, Ts. Trần Đình Thiên cho rằng mục tiêu thay vì cứu ngành du lịch cũ, phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam. Du lịch là ngành mũi nhọn vì vậy phải đi đầu và cũng đáng phải làm đầu tiên. Việc phục hồi nếu làm được không chỉ cho ngành du lịch mà còn nhằm khởi động cho một nền kinh tế khác “kiểu cũ”.
Chuyên gia này cũng cho rằng nên đưa ra một khuôn khổ về chiến lược phát triển của ngành, đồng thời nhấn mạnh muốn có giải pháp cần hiểu sự thay đổi của hành vi du lịch.