MSCI châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 2,3% trong phiên chiều 1/6 lên cao nhất kể từ đầu tháng 3, với nhiều chỉ số lớn trong khu vực tăng 1 - 3%.
Tăng mạnh nhất là cổ phiếu Hong Kong với Hang Seng tăng 3,3%. Tại Trung Quốc đại lục, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 2,2% và 3,3%.
Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,8% và 1,7%. ASX 200 của Australia tăng 1,1% và NZX 50 của New Zealand tăng 0,2%.
Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 1,8%, SET 50 của Thái Lan và Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,8%, KLCI của Malaysia tăng 1,1%.
Phát biểu trước báo giới ngày 1/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian chỉ trích việc Mỹ quyết định gỡ bỏ trạng thái đặc biệt đối với Hong Kong cũng như những hành động đối phó với sinh viên và doanh nghiệp của nước này. Đồng thời, ông Zhao cho biết những nỗ lực của Mỹ nhằm phá hoại lợi ích của Trung Quốc sẽ bị đáp trả một cách kiên quyết.
Đầu phiên, tâm lý giới đầu tư tại châu Á lạc quan sau khi Trung Quốc công bố báo cáo về lĩnh vực sản xuất tháng 5 theo Caixin/Markit. Cụ thể, PMI sản xuất tháng 5 của nước này đạt 50,7 điểm, cao hơn mức dự đoán của giới chuyên gia là 49,6 điểm. Báo cáo cho biết hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang phục hồi nhanh hơn so với nhu cầu, với tỷ lệ tăng trưởng sản lượng công nghiệp đạt mức nhanh nhất kể từ tháng 1/2011.
Thị trường đang tiếp tục chờ đợi báo cáo việc làm tháng 5 của Mỹ dự kiến được công bố vào cuối tuần này. Theo dự đoán của giới chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên 19,8%, cao hơn mức kỷ lục 14,7% của tháng 4. Số người có việc làm được dự báo giảm 7,4 triệu người.
Một trong những sự kiện đáng chú ý khác trong tuần này là Ngân hàng Trung ương châu Âu họp chính sách. Cơ quan này được cho là sẽ tăng quy mô mua tài sản thêm khoảng 500 tỷ euro lên 1.250 tỷ euro.