Trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm nay, Hóa chất Cơ bản miền Nam (HoSE:
CSV) dự kiến doanh thu hợp nhất là 1.643 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với mức thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 257 tỷ đồng, giảm 18,5%. Cổ tức năm 2019 dự kiến tỷ lệ 25%.
Quý I, công ty ghi nhận 329 tỷ đồng doanh thu, giảm 6% so với quý I/2019. Lợi nhuận trước thuế là 59,5 tỷ đồng, giảm 18%. Công ty đạt 20% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận.
Về kế hoạch đầu tư, tổng giá trị thực hiện ước tính 67,7 tỷ đồng. Trong đó, các dự án chuyển tiếp là 54,5 tỷ đồng, đầu tư mới 11,2 tỷ đồng và chuẩn bị đầu tư là 2 tỷ đồng. Công ty cũng đề ra kế hoạch sửa chữa nhà máy hóa chất Biên Hòa với tổng chi phí ước tính 45,4 tỷ đồng.
HĐQT cũng nhận định hóa chất là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho phân bón, sơn và mực in, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa... Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng với mục tiêu đẩy mạnh các ngành công nghiệp trong nước.
Chính sách kiểm soát môi trường tại Trung Quốc dẫn tới giảm sản xuất hóa chất, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hóa chất trong nước.
Nhu cầu hóa chất tại Việt Nam rất cao nhưng nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ, đặc biệt là các sản phẩm xút cho thấy dư địa tăng trưởng của sản phẩm này còn rất lớn. Bên cạnh đó, các nguyên liệu đầu vào của ngành hóa chất cơ bản có xu hướng giảm như giá muối dự kiến tiếp tục giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu dần, giá lưu huỳnh cũng giảm dần trong dài hạn nhờ nguồn cung từ các nhà máy lọc hóa dầu tăng lên.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành hóa chất cũng đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất chất khan hiếm nên còn phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, dẫn đến khó kiểm soát chi phí đầu vào khi giá nguyên vật liệu nhiều biến động. Trong nhiều năm liền, hóa chất luôn nằm trong top 10 sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất và thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc.
Hóa chất sử dụng cho ngành công nghiệp không đáp ứng được nhu cầu nội địa và cạnh tranh về giá bởi các đối thủ trong và ngoài nước, đặc biệt là Trung Quốc. Trong khi đó, hệ thống máy móc kỹ thuật của ngành hóa chất phần lớn chỉ ở mức độ trung bình khá so với một số nước trong khu vực nên năng suất của ngành chưa cao và giá trị gia tăng còn thấp.
Giá điện tiếp tục tăng theo lộ trình tăng giá điện của Chính phủ khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp hóa chất cơ bản tăng. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh phức tạp của Covid-19 năm 2020 có thể khiến hoạt động kinh doanh khách hàng của công ty gặp khó khăn, gián tiếp ảnh hưởng đến đầu ra.