Sáng ngày 22/6, phiên đấu giá cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của Công ty Tập đoàn An Phát Holdings (APH) diễn ra thành công khi hơn 4,3 triệu cổ phiếu được bán hết với giá trúng bình quân 50.018 đồng/cp, gấp đôi giá khởi điểm.
Trong đó, giá trúng cao nhất là 52.800 đồng/cp và giá trúng thấp nhất 48.900 đồng/cp. Tổng giá trị trúng giá đạt 215 tỷ đồng. Có 13 nhà đầu tư cá nhân và 2 nhà đầu tư tổ chức trúng giá.
Kết quả trúng giá cổ phiếu APH. Ảnh: MH
An Phát Holdings có vốn điều lệ 1.423,8 tỷ đồng, được biết đến nhiều là doanh nghiệp sản xuất bao bì màng mỏng và hiện nay đã mở rộng nhiều ngành nghề với 11 công ty con, phát triển nhiều lĩnh vực như sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, cơ khí chính xác và khuôn mẫu, nguyên vật liệu và hóa chất ngành nhựa, bất động sản công nghiệp… cùng nhiều chi nhánh vận hành tại nước ngoài Hàn Quốc, Mỹ, Singapore… Trong đó, 3 đơn vị thành viên nổi bật đã niêm yết trên thị trường chứng khoán gồm Nhựa An Phát Xanh (HoSE: AAA), Nhựa Hà Nội (HoSE: NHH) và An Tiến Industries (HoSE: HII).
Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Phạm Đỗ Huy Cường, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc chia sẻ không bất ngờ với kết quả đấu giá thành công của buổi IPO hôm nay khi khối lượng đặt mua gấp 4,8 lần khối lượng chào bán. Mặt khác, trong quá trình xúc tiến IPO thì doanh nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác và có trao đổi sơ bộ trước.
Theo kế hoạch, sau khi IPO, An Phát Holdings sẽ tổ chức buổi roadshow vào đầu tháng 7 và kỳ vọng cuối tháng có thể niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Ông Cường đánh giá hiện chưa phải là thời điểm thuận lợi nhất niêm yết do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vẫn phù hợp. Doanh nghiệp có kế hoạch huy động vốn từ khá lâu, đã đàm phán với nhiều đối tác và mức độ quan tâm khá lớn.
Tổng khối lượng cổ phần phát hành ra bên ngoài dự kiến 20 triệu cổ phiếu, trong đó 4,3 triệu cổ phiếu dành cho các nhà đầu tư thông qua IPO, phần còn lại cho các nhà đầu tư chiến lược. Nguồn vốn huy động được tập đoàn sử dụng để đầu tư dự án nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn công nghệ cao (PBAT). Dự án có tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, quy mô công suất khoảng 20.000 tấn sản phẩm/năm.
Ông Cường thông tin dự án dự kiến khởi công vào đầu năm 2021, hoàn thành sau 18 tháng. Khi dự án đi vào hoạt động từ 2023 trở đi, An Phát Holdings sẽ chủ động gần như hoàn toàn nguyên liệu cho các sản phẩm tự hủy, giảm giá thành từ 30-40% so với hiện tại. Đây là cơ sở để ban lãnh đạo nhắm tới mục tiêu khoảng 40-50% tổng doanh thu sẽ đến từ sản phẩm phân hủy hoàn toàn.
Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings cho biết sau đợt dịch bệnh, quan điểm của nhiều tập đoàn trên thế giới thay đổi theo hướng tích cực, muốn sống xanh hơn, tìm hiểu kỹ hơn những sản phẩm thân thiện môi trường. Thị trường chính vẫn là xuất khẩu. An Phát xuất sản phẩm sang châu Âu từ 2017 và lập liên doanh để xúc tiến đầu tư tại Mỹ. Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp cũng đang có danh mục nhiều khách hàng như Vinpearl, Highland Coffee, Coffe House, khách sạn Sheraton, Vinamilk… Dự kiến, thị trường nội địa chiếm khoảng 10-20% doanh thu sản phẩm phân hủy hoàn toàn.
Với năm 2020, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 650 tỷ đồng. Ông Cường đánh giá đây là kế hoạch có thể hoàn thành được bởi Trung Quốc phải đóng cửa vì dịch bệnh, tập đoàn nhận được nhiều đơn hàng sản phẩm tự hủy từ các khách hàng châu Âu và Mỹ. Sản phẩm của công ty không dù dịch bệnh vẫn phải tiêu dùng. Mặt khác, mảng bất động sản khu công nghiệp cũng thuận lợi nhờ xu hướng chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam.