Dow Jones giảm 710,16 điểm, tương đương 2,72%, xuống 25.445,94 điểm. S&P 500 giảm 80,96 điểm, tương đương 2,59%, xuống 3.050,33 điểm. Nasdaq giảm 222,2 điểm, tương đương 2,19%, xuống 9.909,17 điểm.
Đây là phiên giảm mạnh nhất của cả ba chỉ số kể từ ngày 11/6, khi S&P 500 mất 5,89%. S&P 500 hiện thấp hơn 10% so với đỉnh lịch sử ngày 19/2, Dow Jones thấp hơn 14% so với đỉnh lịch sử hôm 12/2.
Chỉ số CBOE VIX đo sự sợ hãi trên Phố Wall tăng 2,47 điểm lên 33,84 điểm.
Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 nhiều thứ hai kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế này bắt đầu. Số ca nhiễm mới chủ yếu ở các bang đã nới lỏng hạn chế nhằm đối phó dịch bệnh trước đó.
Thống đốc bang New York, New Jersey và Connecticut thông báo sẽ cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các bang có số ca nhiễm Covid-19 cao.
“Ngày 24/6 là ngày thị trường tin số ca nhiễm Covid-19 tăng có thể đồng nghĩa kinh tế sẽ phục hồi chậm hơn”, Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại National Securities, New York, nói.
Đại dịch dường như đang gây ra thiệt hại sâu và rộng hơn lên kinh tế so với dự báo ban đầu. Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) hiện ước tính GDP toàn cầu năm nay giảm 4,9%, cao hơn so với con số 3% đưa ra hồi tháng 4. Các nền kinh tế phát triển sẽ bị ảnh hưởng mạnh, GDP Mỹ năm nay dự báo giảm 8%, cao hơn 2 điểm phần trăm so với ước tính trước đó.
Trước đợt bán tháo ngày 24/6, các số liệu kinh tế tốt vượt kỳ vọng, nới lỏng phong tỏa và hàng loạt biện pháp kích thích khổng lồ đã giúp Nasdaq lập đỉnh lịch sử nhiều phiên trong tháng và S&P 500 trên đà có quý tốt nhất kể từ năm 1998.
“Thị trường khá tự tin rằng nền kinh tế sẽ tốt hơn nhiều trong 4 – 6 tháng tới. Với số ca nhiễm tăng mạnh, họ bắt đầu hoài nghi điều đó”, theo Shawn Cruz, quản lý cấp cao về chiến lược giao dịch tại TD Ameritrade, Jersey City, bang New Jersey.
Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 24/6 là 13,35 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 13,31 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.