Suốt nhiều tuần liền, các con đường tại nhiều thành phố ở Trung Quốc vắng lặng, các cửa hàng dừng hoạt động trong bối cảnh hàng triệu người dân nước này phải ở nhà để ngăn Covid-19 lây lan. Với Xu Yuanhong, 35 tuổi, điều hành công ty phân loại rác Ai Fenlei tại Bắc Kinh, việc kinh doanh chưa bao giờ tốt đến vậy.
“Khi mọi người ở nhà, họ có nhiều thời gian hơn để tạo ra thêm rác”, Xu nói. Ai Fenlei xử lý khoảng 800 tấn rác mỗi ngày.
Kể từ tháng 2, khi Bắc Kinh phải phong tỏa một phần, lượng rác Ai Fenlei phải xử lý mỗi ngày tăng 20% so với thương lệ, chủ yếu là bao bì hàng hóa.
Covid-19 khiến các cửa hàng bán trực tiếp phải đóng cửa, người tiêu dùng bị cô lập tại nhà nhưng lại giúp các dịch vụ giao hàng bùng nổ tại thành thị. Hệ quả, ngành giao hàng trị giá 100 tỷ USD của Trung Quốc thải ra hàng loạt bìa cứng, hộp nhựa và giấy gói, nguy cơ ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường và xã hội.
Ngành giao hàng bùng nổ tại Trung Quốc trong hai thập kỷ qua. Giai đoạn 2000 – 2018, khối lượng hàng hóa giao thường niên tăng từ 22.600 tấn lên hơn 9,4 triệu tấn, theo kết quả phân tích từ Greenpeace.
Năm 2019, các hãng vận chuyển Trung Quốc vận chuyển 60 tỷ kiện hàng, tăng 25% so với năm trước đó, theo Cục Bưu chính Quốc gia, cơ quan quản lý hoạt động bưu chính tại nền kinh tế số hai thế giới.
Nhựa chiếm khoảng 1/10 số vật liệu sử dụng để đóng gói, Greenpeace cho biết. Phần lớn rác không thể phân hủy sinh học, khoảng 850.000 tấn, được chuyển đến bãi rác hoặc lò đốt rác mỗi năm.
“Hãy tưởng tượng cân nặng của 12 triệu người trưởng thành – đó là trọng lượng xấp xỉ của bao bì nhựa mà ngành giao hàng Trung Quốc sử dụng trong năm 2018”, Tang Damin, nhà vận động về nhựa tại Greenpeace Đông Á, nói.
Sự bùng nổ rác bao bì nhựa tại Trung Quốc nên là lời cảnh tỉnh cho những nước khác.
“Khủng hoảng rác ở Trung Quốc mới chỉ bắt đầu. Những nước khác cũng sẽ chứng kiến rác bao bì bùng nổ theo cách tương tự nếu hệ thống xử lý của họ không theo kịp đà phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử”.
Với 639 triệu người mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc, đặt hàng qua mạng đã trở thành “bản năng thứ hai” từ trước khi Covid-19 xuất hiện.
“Tôi đặt hàng trực tuyến rất nhiều, một gói hàng gì đó mỗi ngày và thực phẩm vào cuối tuần”, Zhang Yujian, nhân viên tài chính tại Thượng Hải, làm việc tại nhà từ tháng 2 và phần lớn tháng 3 để phòng ngừa Covid-19, chia sẻ.
Đại dịch khiến giỏ hàng của cô xuất hiện thêm sản phẩm mới như nước khử trùng và khẩu trang. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, Zhang có thể đặt hàng tới ba địa chỉ của cô, của bố mẹ ruột và bố mẹ chồng.
Những người tiêu dùng như Zhang là lý do khiến ngành giao hàng tại Trung Quốc trở thành bên hưởng lợi từ đại dịch, tăng trưởng doanh thu 3% cho dù tổng chi tiêu dùng giảm 8%.
‘Đầy đến miệng’
Nhu cầu giao hàng ngày càng tăng và rác bao bì nhựa kéo theo tạo áp lực lên hạ tầng xử lý chất thải Trung Quốc, vốn đang chật vật trước sức ép từ tầng lớp tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng.
Các bãi rác, nơi chứa hơn nửa lượng rác thải của Trung Quốc, đang được lấp đầy nhanh hơn dự báo. Bãi rác lớn nhất ở phía tây bắc thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, đã đóng cửa hồi tháng 11/2019 sau khi đạt sức chứa tối đa sớm hơn dự báo hơn 20 năm.
Hệ quả, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các lò đốt để đốt rác và tạo điện năng. Trong năm 2018, những cơ sở này đốt 45% trong số 228 triệu tấn rác đô thị của Trung Quốc, tăng từ mức 15% một thập kỷ trước đó.
Phương án này gây ô nhiễm không khí và bất ổn xã hội. Năm 2019, cảnh sát chống bạo động được triển khai đến trung tâm thành phố Vũ Hán để ứng phó các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch xây một nhà máy đốt rác sản xuất điện.
Một năm trước đó, Trung Quốc tìm cách hạ nhiệt khủng hoảng rác bằng cách cấm nhập khẩu nhiều loại phế liệu, làm gián đoạn dòng chảy phế liệu toàn cầu. Trung Quốc đặt mục tiêu dừng nhập khẩu phế liệu rắn vào cuối năm nay.
Kế hoạch dừng nhập khẩu rác ngoại do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy, theo Liu Youbin, người phát ngôn Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc, nói.
Phân loại
Nhà chức trách Trung Quốc năm ngoái bắt đầu chiến dịch toàn quốc để triển khai phân loại và tái chế rác tại những thành phố cấp 1 như Thượng Hải. Tuy nhiên, một số cơ quan theo dõi môi trường nhận định biện pháp đó là chưa đủ.
“Rác do giao hàng tạo ra không chỉ là trách nhiệm của người tiêu dùng mà còn là trách nhiệm của mọi bên liên quan như nhà sản xuất, chính quyền, người dân”, Chen Liwen, nhà sáng lập Zero Waste Villages, tổ chức phi chính phủ thúc đẩy giảm rác thải tại vùng nông thôn Trung Quốc, nói.
“Mục tiêu cuối cùng cần đạt là giảm rác thải, không phải chỉ là tái chế. Lý do là tất cả rác có thể tái chế cuối cùng cũng trở thành rác, gia tăng lượng rác cần chôn hoặc đốt”.
So với những nền kinh tế phát triển hơn, phần lớn Trung Quốc vẫn đang tìm cách tái chế và tái sử dụng bao bì nhựa.
Báo cáo của Greenpeace năm 2019 cho biết Trung Quốc tái chế chưa đến 5% trong 850.000 tấn bao bì nhựa trong năm 2018, phần còn lại bị chôn hoặc đốt. Trong khi đó, 27 quốc gia Liên minh châu Âu tái chế được 42% lượng bao bì nhựa họ tạo ra năm 2017, theo phòng thống kê Eurostat của khối.
Nhựa cần hàng trăm hoặc hàng nghìn năm để phân hủy và đe dọa sinh vật biển, gây ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước trong thời gian đó. Nghiên cứu năm 2017 từ tổ chức The Ocean Cleanup ước tính khoảng 13 – 28% ô nhiễm nhựa trên biển bắt nguồn từ sông Dương Tử, hệ quả của phát triển kinh tế và quản lý rác kém.
Chen từ Zero Waste Villages cho rằng Trung Quốc nên ra luật buộc các nhà máy thay thế các sản phẩm, bao bì dùng một lần bằng phương án xanh hơn.
Zhang hoan nghênh chính quyền Thượng Hải đã hành động để phân loại rác. Điều này giúp Zhang nhận thức rõ hơn về lượng rác cô góp phần thải ra.
“Chúng tôi đặt hàng ít hơn bởi việc phân loại rác tốn nhiều công sức”, Zhang nói. “Nhưng một khi đã quen với phân loại rác, các đơn đặt hàng của chúng tôi lại trở về mức bình thường”.