2019: Xây thế chân kiềng, quản trị dòng tiền minh bạch
Năm 2019, năm đầu tiên Vinaconex (mã:
VCG) hoạt động với sự thay đổi hoàn toàn cơ cấu cổ đông, không còn cổ đông Nhà nước. Đây được coi là một năm thử thách, phải thiết lập lại cơ cấu tổ chức, cán bộ, đồng thời thực hiện triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh. Kết thúc năm,
VCG đã hoàn thành các chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch đại hội cổ đông (ĐHCĐ) giao và đạt tăng trưởng cao so với năm 2018.
Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tổng công ty đạt 98% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 787 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch và bằng 123% năm 2018. Riêng công ty mẹ đạt doanh thu 98% kế hoạch và bằng 124% năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 727 tỷ đồng, đạt 112% kế hoạch và bằng 124% năm 2018.
Thông tin từ đại diện lãnh đạo Vinaconex cho biết, hầu hết các công ty thành viên có kết quả kinh doanh tốt. Điển hình, có 4 công ty đã đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng là Vinaconex CM, Vinaconex 9, Vinaconex 25, Vimeco và các đơn vị được đánh giá làm tốt như: Công ty Vinaconex Invest, Vinaconex CM, NEDI2, Viwaco, Vinasinco, Dung Quất....
“Đạt được kết quả tích cực như trên là nỗ lực rất lớn của toàn Tổng công ty, năm qua, Vinaconex tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh theo định hướng phát triển “Xây dựng - bất động sản - đầu tư tài chính”, đại diện Vinaconex cho hay.
Năm 2019, Tổng công ty đã phát động phong trào phát huy truyền thống vốn có là một trong các nhà thầu xây dựng "anh cả" tại Việt Nam, tập trung triển khai quyết liệt việc trực tiếp thi công xây dựng nhiều công trình, thay cho cách làm trước đây là mô hình tổng thầu quản lý, qua đó tăng hiệu quả cho tổng công ty. Chính vì vậy, nhiều công trình trên cả 3 mảng xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật đều mang lại kết quả cao.
Với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, Vinaconex đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư tại Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác. Bên cạnh đó, Tổng công ty còn tìm kiếm nhiều dự án đầu tư mới tại Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, TP.HCM…. Chủ động nghiên cứu phát triển các dự án tiềm năng tại các vùng đất này. Hoạt động cho thuê bất động sản cũng được quản lý, khai thác tốt hơn tại các tòa nhà của Vinaconex sở hữu và vận hành.
Còn với mảng đầu tư tài chính, lãnh đạo Vinaconex cho biết, các công ty con, công ty liên doanh, liên kết có vốn góp hoạt động ổn định, tạo thành chuỗi giá trị bổ trợ cho hoạt động xây lắp và bất động sản, góp phần tăng quy mô và lợi nhuận cho Tổng công ty. Công tác quản lý vốn, kiểm tra, giám sát các đơn vị có vốn đầu tư của Vinaconex được thực hiện nghiêm túc.
“Người đại diện vốn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư đều tham gia sâu sát vào quá trình quản trị, quản lý điều hành doanh nghiệp giúp cho các quyết định đầu tư và sản xuất kinh doanh được kịp thời, linh hoạt, nắm bắt được cơ hội cũng góp phần đã tạo ra thành công cho năm qua”, đại diện Vinaconex chia sẻ.
Năm 2020: Đặt mục tiêu tăng trưởng, chi trả cổ tức gấp đôi 2019
Đại dịch Covid-19 như "đám mây đen" tác động tiêu cực chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, mặc dù, công tác kiểm soát dịch Covid-19 thuộc top đầu trên thế giới, nhưng khó tránh khỏi các tác động làm suy giảm tăng trưởng kinh tế nói chung và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng.
Thực tế ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giảm tăng trưởng, thậm chí là xoay xở để bớt thua lỗ hoặc chỉ để duy trì “hơi thở”. Dấu hiệu khó khăn đã ngấm vào kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2020 và các dự báo cũng cho rằng, “cái khó” sẽ còn bộc lộ rõ hơn vào kết quả kinh doanh quý II này.
Với Vinaconex, dòng chảy kinh tế bị ngưng trệ vì đại dịch cũng đã tác động không nhỏ tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong quý đầu năm nay. Theo báo cáo tài chính quý I/2020, trong kỳ, Vinaconex ghi nhận doanh thu chỉ 1.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế quý I chỉ đạt 63 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Vinaconex vẫn tự tin đặt kế hoạch mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận, cũng như đem lại quyền lợi cao nhất cho cổ đông trong năm 2020.
Theo tài liệu công bố trước khi diễn ra ĐHCĐ, năm 2020, mặc dù đặt ra mức doanh thu giảm nhẹ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 820 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2019, riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ tăng 10%. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh khó khăn chung, HĐQT của Vinaconex vẫn đặt mục tiêu chi trả cổ tức 12% trong năm 2020, tăng gấp đôi so với cổ tức ước thực hiện của năm 2019.
Lý giải cho mục tiêu đầy thách thức này, đại diện lãnh đạo Vinaconex cho hay, khó khăn trong những tháng đầu năm là có thật và điều này sẽ còn tiếp diễn khó lường trong những tháng cuối năm. Vì vậy, khi xây dựng mục tiêu, các thành viên ban lãnh đạo đã phải thảo luận, tính toán rất kỹ, thậm chí là thận trọng để đảm bảo “cuối năm chắc thắng”.
“Quả thực, để hoàn thành các chỉ tiêu được trình ĐHCĐ như công bố là áp lực rất lớn cho “người Vinaconex” nói chung và HĐQT, ban điều hành nói riêng. Tuy nhiên, dựa trên các tính toán về vị thế, uy tín, khả năng, tiềm lực tài chính, kinh nghiệm tích lũy, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, sự đồng hành của các đối tác, sự tin tưởng của nhiều cổ đông,… chúng tôi phải nỗ lực hết sức và tin rằng cuối năm sẽ là một “cái kết đẹp””, một lãnh đạo của Vinaconex chia sẻ.
Theo bản kế hoạch, trong mảng xây dựng, Vinaconex sẽ kiên trì tổ chức mô hình thi công trực tiếp kết hợp với mô hình tổng thầu quản lý. Nâng cao công tác đấu thầu, tìm kiếm các công trình xây lắp và lựa chọn các công trình chủ đầu tư có nguồn vốn tốt. Đặc biệt là nâng cao chất lượng công trình để tạo uy tín đối với các chủ đầu tư nước ngoài.
Phấn đấu ký hợp đồng mới trong năm 2020 các công trình như Foxconn E5-E6 (đã ký tháng 3/2020), Cầu Vàm Trà Lọt (đã trúng thầu và đang thương thảo hợp đồng), toà tháp VOV, Valuetronic, Qisda-BenQ, Lotte Mall Hanoi,… Đồng thời, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh công tác đấu thầu, đặc biệt là các công trình hạ tầng, các dự án đầu tư công do Nhà nước đầu tư trong gói kích thích phát triển kinh tế của Chính phủ.
Với hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, công ty mẹ và các công ty thành viên sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư hiện sẵn có, đồng thời tăng cường tìm kiếm các dự án mới có tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các dự án BOT hạ tầng giao thông trọng điểm để tạo công ăn việc làm cho cả Tổng công ty.
Còn với đầu tư tài chính, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai công tác quản lý và giám sát hoạt động của các công ty có vốn góp để tăng cường công tác quản trị, giúp các đơn vị xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư và sản xuất kinh doanh có hiệu quả thực chất và minh bạch, qua đó thu được hiệu quả từ công tác đầu tư vốn của Tổng công ty.