• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
19 Tháng Mười 2024 7:43:15 CH - Mở cửa
GLC: 'Chìm lấp' giữa cơn bão giá vàng
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 14/08/2020 10:22:01 SA
Thị trường tài chính đang chứng kiến cơn bão giá vàng với chuỗi 9 tuần tăng liên tiếp khiến giá vàng lập đỉnh lịch sử. Nếu như năm 2016, giá vàng trong nước chỉ 32 - 34 triệu đồng/lượng thì đến hôm 7/8/2020 nó đã đạt đỉnh 61 - 62 triệu đồng/lượng, tăng gần gấp đôi sau 4 năm. Đặc biệt, có những thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới tới 4 triệu đồng/lượng.
 
Thế nhưng, điều nghịch lý là doanh nghiệp khai thác vàng duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán lại đang làm ăn thua lỗ, hoạt động tê liệt bất chấp việc giá vàng đang “làm mưa làm gió” trên thị trường tài chính.
 
Bước ngoặt đáng quên
 
CTCP Vàng Lào Cai được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng đến nay công ty đã tăng vốn lên 105 tỷ đồng. Hoạt động chính là đầu tư dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai với sản lượng thiết kế tối đa còn lên tới 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm.
 
Tại thời điểm mới thành lập, xuất hiện trong cơ cấu cổ đông của Vàng Lào Cai là những tên tuổi lớn như Tổng công ty khoáng sản - Vinacomin (nay là Tổng công ty Khoáng sản TKV) góp 33% vốn; Công ty TNHH Nhà nước MTV khoáng sản 3 (nay là CTCP Khoáng sản 3 - Vimico) góp 27%; Công ty Khoáng sản Lào Cai góp 15%; Công ty TNHH Thái Nguyên 15% và Công ty Đông Bắc 10%.
 
Tuy nhiên, đầu năm 2019, Vàng Lào Cai chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán cũng là lúc cơ cấu cổ đông của công ty có sẽ thay đổi đáng kể. Theo thông báo cập nhật danh sách cổ đông mới nhất của Vàng Lào Cai, tính tại ngày 30/1/2019 công ty đang có 5 cổ đông lớn, trong đó có 4 cá nhân với tổng tỷ lệ sở hữu lên tới 82,56% và 1 tổ chức là Công ty TNHH MTV Khoáng sản – Bitexco (tỷ lệ sở hữu hơn 6%).
 
Cùng với sự thay đổi cơ cấu cổ đông, hoạt động kinh doanh của Vàng Lào Cai cũng bắt đầu lao dốc không phanh so với năm 2018. Theo đó, kết thúc năm 2019 doanh thu thuần của công ty đạt 11,25 tỷ đồng, giảm 90% và ghi lỗ 15,6 tỷ đồng, giảm tới 192% so với năm 2018.
 
Kiểm toán báo cáo tài chính này, kiểm toán viên từng lưu ý lỗ lũy kế của công ty đến hết tháng 12/2019 là 53,4 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 10,7 tỷ đồng, cao hơn cả tài sản ngắn hạn đang có là 9,3 tỷ đồng. Đến quý I/2020, công ty tiếp tục không có doanh thu nhưng các chi phí hoạt động vẫn phát sinh, từ đó ghi lỗ hơn 4 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 3/2020 là hơn 57 tỷ đồng trên tổng tài sản khoảng 60 tỷ đồng.
 
Nguyên nhân của tình trạng trên là do sả‌n lượng khai thác quặng của Vàng Lào Cai chỉ đạt 748 tấn, chưa đến 1% so với kế hoạch năm là 19.000 tấn, sản lượng kim loại vàng sả‌n xuất cả năm là 5,46 kg, đạt 3,9% so với mục tiêu do giấy phép chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản của công ty đã hết hạn nên chủ yếu chỉ tập trung bảo vệ tài nguyên.
 
Trước đó, năm 2016 100% doanh thu công ty đều đến từ việc bán vàng, đạt 101 tỷ đồng. Trong năm 2017 và 9 tháng từ đầu năm 2018, thu từ bán vàng vẫn đóng góp trên 97% tổng doanh thu của công ty.
 
Tương lai khó sáng
 
Song song với kết quả kinh doanh lao dốc là sự “u ám” của cổ phiếu GLC trên sàn chứng khoán. Trong suốt hơn 2 năm niêm yết, GLC chỉ giao dịch khớp lệnh đúng 4 phiên và có 1 giao dịch thỏa thuận.
 
Trong 4 phiên giao dịch khớp lệnh thì có 3 phiên được thực hiện sau khoảng gần 1 tháng chính thức niêm yết (cuối tháng 1/2019). Đáng chú ý nhất là phiên 31/1/2019, GLC tăng trần gần kịch biên độ (15%) từ 10.200 đồng/cp lên 11.700 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 7 triệu đơn vị.
 
Tính từ phiên giao dịch đột biến này, gần nửa năm sau tại phiên giao dịch ngày 7/6/2019, GLC mới lại có một phiên xuất hiện giao dịch khi giảm gần giá sàn về 10.000 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt 675.000 đơn vị. Kể từ đó đến nay, GLC không xuất hiện thêm bất cứ một giao dịch nào khác và vẫn duy trì ở mức giá 10.000 đồng/cp.
 
Sở dĩ, cổ phiếu GLC không hấp dẫn được các nhà đầu tư là bởi cơ cấu cổ đông quá cô đặc, tỷ lệ cổ phiếu được tự do giao dịch chỉ đạt hơn 1,1 triệu cổ phiếu, rủi ro thanh khoản rất lớn khi luôn luôn trong trạng thái bằng 0.
 
Để khắc phục tình hình, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của công ty diễn ra ngày 30/6/2020, ban lãnh đạo Vàng Lào Cai không đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể cho năm 2020. Thay vào đó, công ty cho biết sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp trang thiết bị để tận thu tối đa hàm lượng vàng còn lại ngay sau khi được gia hạn giấy phép khai thá‌c.
 
Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, nhóm nhà đầu tư mới đã thực hiện đầy đủ những thủ tục cần thiết để xin gia hạn giấy phép khai thác song vì một số lý do khách quan lẫn chủ quan mà việc gia hạn giấy phép chưa được hoàn thành.
 
Tuy nhiên, cùng với việc chưa được gia hạn giấy phép khai thác, công ty còn đối mặt với nhiều khó khăn khác. Biến đổi địa chất khiến các thân quặng đang khai thác có sự đứt quãng, teo thắt và xê dịch; do đó quá trình sản xuất phải luôn điều chỉnh theo điều kiện thực tế, các kế hoạch kỹ thuật và biện pháp thi công đầu năm chỉ mang tính định hướng.
 
Dự án khai thác vàng có vòng đời ngắn nhưng thời gian đầu tư kéo dài nên chi phí khấu hao, chi phí trước hoạt động, chi phí lãi vay... những năm đầu dự án chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành, dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao và gây khó khăn về tài chính.