Tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của Tập đoàn Hòa Phát tăng gần 6.000 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Cùng với đó, tổng thu nhập của các thành viên ban lãnh đạo doanh nghiệp này cũng tăng gần 13 lần so với nửa đầu năm 2019, đạt 34,5 tỷ đồng.
Tổng thù lao của tỷ phú Trần Đình Long và các thành viên ban lãnh đạo tăng “sốc” gần 13 lần so với nửa đầu năm 2019, đạt 34,5 tỷ đồng.
Tập đoàn Hòa Phát (mã:
HPG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét nửa đầu năm 2020. Trong đó, khoản mục thu nhập của tập đoàn này được điều chỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, lương và thưởng giảm từ mức 6,7 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 4,7 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Ngược lại, thù lao tăng "sốc" với mức tăng lên tới gần 13 lần so với nửa đầu năm 2019, đạt 34,5 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lương, thưởng và thù lao của nhóm thành viên Ban kiểm soát, Ban giám đốc và Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát nửa đầu năm nay đạt xấp xỉ 39,3 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 9,5 tỷ đồng.
Được biết, năm 2020, Đại hội cổ đông thường niên của Hòa Phát đã thông qua việc trích quỹ khen thưởng tối đa 5% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch. Ngoài ra, mức trích thù lao Hội đồng quản trị (HĐQT) là 0,6% lợi nhuận sau thuế.
Với kế hoạch lợi nhuận 9.000 tỷ đồng trong năm nay, mức thù lao tối đa của HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nếu hoàn thành vừa đủ kế hoạch lợi nhuận là 54 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2019, thù lao của HĐQT Tập đoàn Hoà Phát được đại hội cổ đông thường niên năm 2019 thông qua sẽ được trích từ lợi nhuận sau thuế với tỷ lệ tối đa là 1%. Đồng thời, ban điều hành Tập đoàn và các công ty thành viên được khen thưởng tối đa 5% phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch.
Năm 2019, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long lãi sau thuế 7.578 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, nếu trích quỹ thù lao và khen thưởng tối đa 1% lợi nhuận sau thuế và 5% phần lợi nhuận vượt kế hoạch, ban lãnh đạo Hòa Phát có thể được nhận tới gần 120 tỷ đồng.
Đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến nhiều lĩnh vực kinh doanh và các doanh nghiệp thì việc tổng thu nhập của lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát tăng dường như đang “đi ngược xu hướng”. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm nay sẽ thất không có gì quá bất ngờ.
Theo báo cáo tài chính sau soát xét của Tập đoàn Hòa Phát, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn tăng đều.
Cụ thể, nửa đầu năm nay, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 39.655 tỷ đồng sau soát xét, lợi nhuận sau thuế 5.060 tỷ đồng, tăng 1,3 lần và 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, nông nghiệp là một mảnh ghép quan trọng trong thành quả này, với trợ lực từ diễn biến giá thịt lợn cực kỳ thuận lợi. Tuy nhiên, thép vẫn là bệ phóng, là nền tảng chính để Hòa Phát đạt được tăng trưởng vượt trội nhờ doanh nghiệp này tham gia vào tất cả các chuỗi giá trị từ đầu đến cuối.
Vì vậy, nếu tiêu thụ thành phẩm thép xây dựng gặp khó khăn, Hòa Phát có thể bán luôn phôi thép cho các đối tác trong và ngoài nước. Đây cũng là cách làm đang mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, cũng trong báo cáo tài chính sau soát xét cho thấy, nợ của doanh nghiệp này ngày càng tăng. Tại ngày cuối quý II/2020, tổng nợ ngắn hạn và dài hạn của Hòa Phát là 42.666 tỷ đồng, chiếm 71% nợ phải trả và tăng gần 6.000 tỷ đồng so với ngày đầu năm.
Chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2020 của Hòa Phát là 1.004 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái và lớn hơn chi phí lãi vay 937 tỷ đồng của cả năm 2019.
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định vay nợ cao đang gây áp lực lớn lên lợi nhuận của Hòa Phát.
"Nợ vay dùng để phục vụ cho mảng sản xuất thép nhưng biên lợi nhuận gộp bị giảm sút. Chính vì thế nhà đầu tư nên cân nhắc rủi ro từ chi phí lãi vay tăng cao. Khi mảng nông nghiệp không thể tiếp tục duy trì được kết quả vượt trội do biến động của giá thịt heo, lợi nhuận của toàn công ty sẽ bị ảnh hưởng nặng nề", Chứng khoán Phú Hưng nhận xét.
Về lợi nhuận, theo nhìn nhận của Công ty chứng khoán SSI, lợi nhuận của Hòa Phát năm 2021 ước tính tăng 15% nhờ giai đoạn 2 của Khu liên hợp Dung Quất.