Thông thường hàng năm, hai quý III và IV là mùa cao điểm về nhu cầu vốn, bởi các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay có sự khác biệt lớn so với những năm trước, các ngân hàng thừa tiền nhưng lại thiếu khách vay.
Bí kênh đầu tư khiến lợi nhuận sau thuế cả năm của 19 ngân hàng niêm yết dự kiến chỉ tăng 4,9%.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến giữa tháng 8/2020, tín dụng mới chỉ tăng được 4,13%. Mặc dù trong vài tháng qua, NHNN đã kịp thời điều chỉnh tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một loạt tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, có điều kiện mở rộng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế, song tín dụng chung toàn hệ thống vẫn tăng rất chậm.
Kênh đầu tư bị thu hẹp
Theo báo cáo vừa công bố của FiinGroup dựa trên báo cáo tài chính quý II/2020 của 19 ngân hàng niêm yết (chiếm 63,3% dư nợ toàn hệ thống), cho vay khách hàng của nhóm này tính đến cuối quý II/2020 chỉ tăng trưởng 3,4%, thấp hơn nhiều so với mức cùng kỳ 2 năm trước (9,2% năm 2018, 8,2% năm 2019).
Bên cạnh đó, tín dụng cũng tăng thấp hơn huy động (tăng 4,2%), khác với xu hướng trong những năm gần đây khi tăng trưởng cho vay khách hàng luôn cao hơn tăng trưởng tiền gửi của khách hàng.
Ngoài ra, tín dụng cá nhân tại một số ngân hàng có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng đầu năm. Tình trạng này đã ảnh hưởng đến thu nhập lãi thuần và biên độ lãi thuần (NIM) của các ngân hàng, do đây là các khoản vay có lãi suất cao và biên lãi ròng lớn. NIM của 19 ngân hàng niêm yết giảm 8,8 điểm cơ bản so với quý I/2020.
Đáng lưu ý, bức tranh màu xám này tiếp tục duy trì sang quý III khi huy động vốn toàn hệ thống tăng gần 6,3%, trong khi tín dụng chỉ tăng 4,13% tính đến giữa tháng 8/2020.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, khách hàng có nhu cầu được cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay cho các khoản nợ cũ nhiều hơn là lượng khách hàng có nhu cầu vay mới, khiến cho dòng vốn ngân hàng dư thừa.
Không chỉ gặp khó khăn cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, nhiều kênh đầu tư sinh lời khác của ngân hàng cũng đang bị thu hẹp. Theo bà Phượng, những năm trước, với lượng vốn dư, Agribank thường cho vay trên thị trường liên ngân hàng hoặc mua trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, năm nay, các ngân hàng đều dồi dào vốn, khiến nhu cầu vay trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng thấp kỷ lục.
Thực tế, thời gian qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có nhiều thời điểm gần như bằng 0. Chẳng hạn, ngày 7/9, lãi suất qua đêm ở mức 0,15%/năm; 1 tuần là 0,27%/năm; 2 tuần là 0,29%/năm; 1 tháng là 0,73%/năm.
Lợi nhuận sụt giảm
Cùng với đó, kênh đầu tư trái phiếu được kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng cũng đang giảm dần. Điển hình như ngay phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9, lãi suất trái phiếu giảm nhẹ. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm gọi 500 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 1,68%, thấp hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 28/6/2020).
Tín dụng tăng chậm cùng với các kênh đầu tư khác cũng đem lại lợi tức thấp khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm mạnh.
Tính riêng trong quý II/2020, lợi nhuận sau thuế của 19 ngân hàng niêm yết tăng 22,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng, tổng lợi nhuận sau thuế của nhóm này chỉ tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 18,5%).
Một điểm đáng lưu ý nữa là tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý II/2020 có sự đóng góp đáng kể từ cắt giảm chi phí hoạt động. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động giảm 4,5%, trong khi chi phí hoạt động giảm 12%, tiếp diễn xu hướng từ quý I/2020 với tổng thu nhập hoạt động giảm 5,9% trong khi chi phí hoạt động giảm 14,2%. Điều này khác với các năm trước khi chi phí hoạt động có xu hướng giảm trong quý I, rồi tăng trở lại trong quý II.
Ngoại trừ Ngân hàng Bản Việt và NCB, 17 ngân hàng còn lại đã cắt giảm mạnh chi phí cho nhân viên - khoản chiếm lớn nhất trong chi phí hoạt động - với tổng mức giảm 8% trong quý II/2020 và 13,6% trong quý I/2020. Khoản chi lớn tiếp theo là chi cho hoạt động quản lý công vụ giảm 33,9% trong quý II/2020 và 12,6% trong quý I/2020.
Với tình hình hiện tại, FiinGroup dự báo, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của 18/19 ngân hàng (riêng VietinBank không đưa ra kế hoạch cụ thể) dự kiến chỉ tăng 4,9% so với năm 2019. Kế hoạch này khá thận trọng nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng niêm yết nửa đầu năm nay (tăng 12,8%).