Fintech gắn liền với khá nhiều rủi ro như bảo mật cá nhân, bảo vệ khách hàng, tín dụng, an toàn mạng, phụ thuộc công nghệ, rửa tiền,…. Do vậy các quy định pháp lý một mặt phải tách bạch để tạo không gian cho doanh nghiệp Fintech phát triển, mặt khác phải hạn chế được những rủi ro đi kèm.
Dự kiến từ năm 2021 NHNN sẽ tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận cho các ngân hàng, công ty cung ứng giải pháp Fintech tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đánh giá, sự xuất hiện và phát triển với tốc độ nhanh chóng của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý phải đối mặt với những thách thức và khó khăn trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan đến an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân…
Nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý tài chính trên thế giới là đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo của lĩnh vực ngân hàng trong khi vẫn phải duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…
Theo Thống đốc, trong hệ thống Ngân hàng Việt Nam hiện nay, đối với các dịch vụ đã có một phần quy định pháp lý điều chỉnh, NHNN thực hiện rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay các quy định này nhằm hỗ trợ các TCTD, ngân hàng có thể nhanh chóng triển khai việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình như: ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán (sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt); thực hiện xác thực khách hàng từ xa E-KYC (sửa đổi, bổ sung Nghị định 116/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền)...
Thực tế, tại Việt Nam các hoạt động của công ty cung ứng giải pháp Fintech, cho vay ngang hàng (P2P lending), mô hình thanh toán mới... đều chưa có qui định pháp lý cụ thể để điều chỉnh.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kì tháng 8/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị NHNN hoàn thiện Đề án, Nghị định về qui định Fintech, cho vay ngang hàng, xác thực điện tử.
Theo kế hoạch, từ năm 2021 chính thức tiến hành tiếp nhận hồ sơ và chấp thuận cho các ngân hàng, công ty cung ứng giải pháp Fintech tham gia Cơ chế thử nghiệm hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Có 7 lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng, hỗ trợ định doanh, giao diện lập trình ứng dụng mở, các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo như Blockchain, các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm,...
Trong tháng 5, Thủ tướng đã phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money theo Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trước đó, vào tháng 4, NHNN đã hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ đề án này. Từ năm 2019, Chính phủ đã yêu cầu NHNN nghiên cứu, đề xuất thí điểm dịch vụ Mobile Money, trong bối cảnh chưa có qui định cụ thể nào về dịch vụ tài chính dựa trên nhà mạng, trong khi ví điện tử thì mở rộng ngày càng nhanh chóng.
Việc áp dụng Mobile Money được các nhà mạng mong chờ khi đây được xác định là cơ hội chưa từng có, mở ra nhiều cơ hội cho các tên tuổi lớn như Viettel, VNPT, MobiFone lấn sân sang mảng dịch vụ tài chính.