Khối ngoại sàn HoSE có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp, với 266 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính khớp lệnh thì dòng vốn ngoại sàn HoSE bán ròng lên đến 622 tỷ đồng.
Khối ngoại sàn HNX bán ròng 11 phiên liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/1, VN-Index tăng 17,2 điểm (1,47%) lên 1.184,89 điểm. HNX-Index tăng 1,72 điểm (0,79%) lên 219,12 điểm. UPCoM-Index tăng 0,88 điểm (1,16%) lên 76,95 điểm.
Khối ngoại vẫn giao dịch theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 52,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.651 tỷ đồng, trong khi bán ra 71 triệu cổ phiếu, trị giá 2.001,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 18,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng gần 351 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 266 tỷ đồng (giảm 19% so với phiên cuối tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là hơn 16 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn ngoại sàn này bán ròng lên đến hơn 622 tỷ đồng.
KBC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 179 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 200 tỷ đồng cổ phiếu này thông qua phương thức thỏa thuận. Tiếp sau đó, VRE cũng được mua ròng 98,3 tỷ đồng. Hai chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND và E1VFVN30 được mua ròng lần lượt 95 tỷ đồng và 88 tỷ đồng. Chiều ngược lại, LPB bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 212 tỷ đồng. HPG và VND đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 185 tỷ đồng và 124 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp với giá trị tăng 21,5% so với phiên cuối tuần trước và ở mức 34 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 2 triệu cổ phiếu.
TAR đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HNX nhưng giá trị chỉ là 700 triệu đồng. Chiều ngược lại, SHS bị bán ròng mạnh nhất với 11,8 tỷ đồng. PVS và BVS bị bán ròng lần lượt 8,4 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.
Tại sàn UPCoM, khối ngoại cũng đẩy mạnh bán ròng 50,7 tỷ đồng (tăng 99,5% so với phiên cuối tuần trước), tương ứng khối lượng 461.465 cổ phiếu. Như vậy, dòng vốn ngoại sàn này cũng bán ròng 4 phiên liên tiếp.
VEA được mua ròng mạnh nhất sàn UPCoM với 5,6 tỷ đồng. MCH và VGI được mua ròng lần lượt 2,4 tỷ đồng và 1,3 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VTP bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 52,7 tỷ đồng. CTR và ACV đều bị bán ròng hơn 2 tỷ đồng.