Thị trường chứng khoán tăng mạnh tạo điều kiện cho các cổ đông nước ngoài thực hiện các chiến lược thoái lui theo kế hoạch. Với những nền tảng đạt được trong quá trình hợp tác, việc thoái vốn của cổ đông ngoại không ảnh hưởng quá nhiều đến nội tại của doanh nghiệp.
Đối với các công ty đại chúng, cổ đông ngoại thường đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh và tạo hình ảnh tốt cho doanh nghiệp. Sau khi đạt được những mục tiêu hợp tác ban đầu, một số tổ chức tính đến phương án thoái lui.
Thị trường Việt Nam gần đây chứng kiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài lớn thoái vốn khỏi doanh nghiệp. Nhờ nền tảng quản trị và kinh doanh tích lũy được trong quá trình hợp tác, các công ty Việt Nam vẫn tiếp tục vươn tới những thành công mới.
Với các công ty có nền tảng tốt, việc rút lui của cổ đông ngoại không gây nhiều thay đổi trong hoạt động.
Quỹ ngoại thoái vốn, cổ phiếu tăng mạnh
Lucerne Enterprise Ltd và NS Advisory Inc Pte.Ltd (thuộc công ty Nikko Indonesia) đã thoái hàng chục triệu cổ phiếu Licogi 16 (HoSE:
LCG) vào cuối năm 2020. Nhóm cổ đông Indonesia này bắt đầu rót vốn vào Licogi 16 từ năm 2014.
Trong diễn biến thoái vốn của khối ngoại, cổ phiếu
LCG tăng lên vùng đỉnh 10 năm quanh 16.000 đồng/cp, tương đương mức tăng giá gần 150% trong một năm giao dịch gần nhất.
Nhóm Dragon Capital bán hàng triệu cổ phiếu CenLand (HoSE:
CRE) vào tháng 4/2020. Sau khi cổ đông ngoại thoái vốn, cổ phiếu
CRE bứt tốc lên vùng đỉnh lịch sử gần 29.000 đồng/cp, gấp 2,3 lần so với vùng đáy.
PENM III Germany GmbH &Co. KG (Đức) đang đăng ký bán toàn bộ hơn 66,5 triệu cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HoSE:
HPG). Quỹ ngoại cho biết việc đầu tư vào Hòa Phát đem lại lợi nhuận tốt nhất cho nhóm quỹ. Việc bán cổ phiếu là do sắp đến thời hạn đóng quỹ vào năm 2021.
Áp lức thoái vốn của tổ chức này có thời điểm khiến thị giá
HPG điều chỉnh mạnh, tuy nhiên cổ phiếu vẫn trong xu hướng tăng giá lên vùng đỉnh lịch sử gần 45.000 đồng/cp, cao gấp đôi sau một năm giao dịch gần nhất.
Creed Investments VN-1 Ltd (thành viên của Creed Group) cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 4,5 triệu cổ phiếu
AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, tương ứng tỷ lệ 5,5% vốn. Ngay trong ngày đầu tiên Creed Group thực hiện giao dịch (19/1), thị trường ghi nhận số cổ phiếu
AGG được thỏa thuận gần bằng lượng quỹ này đăng ký bán ra. Trước đó, Creed Group từng có đợt đăng ký bán hơn 3,7 triệu cổ phiếu
AGG và cũng được thị trường hấp thụ ngay trong những phiên giao dịch đầu tiên, khi đăng ký bán có hiệu lực.
Hoạt động đầu tư của Creed Group vào An Gia bao gồm: đầu tư dự án do An Gia phát triển và đầu tư vào cổ phiếu, dưới hình thức góp vốn nhằm hỗ trợ để An Gia đủ nguồn lực tài chính phát triển nhiều dự án hơn trong giai đoạn đầu. Do đó, chiến lược thoái vốn đã được quỹ này thông báo ngay từ khi ký thỏa thuận hợp tác với An Gia năm 2015. Đại diện của Creed Group cũng nhiều lần khẳng định hai bên sẽ tiếp tục là đối tác trong từng dự án theo mô hình đã được áp dụng thành công lâu nay (An Gia góp 20% vốn dự án nhưng nhận 50,1% lợi nhuận sau thuế sau khi đã hoàn trả cổ phần ưu đãi cho các bên còn các đối tác góp 80% vốn).
Đúng như dự tính của Creed Group, việc đầu tư vào cổ phiếu An Gia đã mang lại tỷ suất sinh lời cao. Vào năm 2015, quỹ này đầu tư 4 triệu USD (80 tỷ đồng) để sở hữu 20% cổ phần An Gia. Lượng cổ phần này nếu được nắm giữ đến nay có giá thị trường hơn 540 tỷ đồng, tức sinh lời khoảng 570%.
Doanh nghiệp giữ đà tăng trưởng
Có thể thấy, việc thoái vốn trên nằm trong chiến lược dài hạn của hầu hết các tổ chức nước ngoài nước và là hành động cụ thể hóa lợi nhuận đơn thuần. Thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng tăng mạnh, đạt ngưỡng gần 1.200 điểm cũng là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư nước ngoài chốt lời.
Một chuyên gia đầu tư đánh giá chiến lược thoái lui của các cổ đông lớn được nhiều doanh nghiệp lên kịch bản trước, chuẩn bị cho thời kỳ hoạt động mới. Việc hợp tác với đối tác ngoại nhiều kinh nghiệm quốc tế cũng giúp cải thiện hoạt động quản trị và chiến lược kinh doanh, do vậy việc thoái vốn theo kế hoạch dường như không gây ảnh hưởng nhiều đến nội tại của doanh nghiệp. Ngoài ra, khoản tiền bán cổ phần mà Creed Investments, PENM III hay Dragon Capital thu về có thể được các tổ chức này tái đầu tư hoặc tiếp tục cùng doanh nghiệp triển thêm các dự án khác trong tương lai.
Đồng thời, dù khối ngoại bán vốn nhưng hoạt động của các công ty vẫn diễn biến tốt nhờ những nền tảng đã tích lũy trong quá trình hợp tác. Tại Licogi 16, doanh nghiệp vẫn ghi nhận doanh thu 9 tháng tăng 28% đạt 2.273 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 18% đạt 181 tỷ đồng. Licogi 16 liên tiếp công bố thi công các dự án lớn như Nhà máy điện mặt trời nổi Đầm Trà Ổ hay Nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh…
Trong khi đó, đại diện CenLand khẳng định trong bối cảnh thị trường bất động sản tê liệt, công ty vẫn duy trì được đội ngũ hơn 3.000 nhân sự, chốt hàng ngàn giao dịch mỗi tháng, doanh số 2020 dự kiến vượt năm trước.
Đối với An Gia, doanh nghiệp dự kiến doanh thu năm 2020 cao gấp gần 5 lần cùng kỳ, đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 25% đạt 410 tỷ đồng. Trong chiến lược 2021 – 2025, công ty bất động sản có kế hoạch ra mắt 27.600 sản phẩm mới từ các quỹ đất hiện hữu tại các khu vực TP HCM, Bình Dương, Long An và sẽ lần lượt bàn giao từ 2023. Tổng doanh thu dự kiến giai đoạn này khoảng 50.210 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 6.650 tỷ đồng.
Điều đặc biệt khác, sau quá trình thoái vốn cổ phần, Creed Group vẫn đồng hành cùng An Gia trong quá trình đầu tư vào các dự án. Trong giai đoạn 2021 - 2024, An Gia dự kiến cho ra mắt khoảng 27.600 sản phẩm mới từ các quỹ đất hiện hữu tại các khu vực như TP HCM, Bình Dương, Bình Chánh, Long An và sẽ lần lượt bàn giao từ 2023 đến 2027. Công ty đặt mục tiêu dành khoảng 5.000 tỷ đồng hàng năm để phát triển quỹ đất, trong đó dòng tiền M&A đến từ sự giúp sức của các nhà đầu tư đồng hành cùng dự án, bao gồm Creed Group và nhiều quỹ ngoại khác.