Nielsen cho rằng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, doanh số ngành hàng tiêu dùng có thể tăng cao hơn 12 -15% so với thời điểm không có lễ hội và chiếm gần 20% tổng doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh của cả năm.
Theo đánh giá của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong bối cảnh các buổi tiệc ngày Tết dự kiến được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, các nhà bán lẻ và công ty sản xuất có thể khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục các truyền thống lễ hội yêu thích của mình thông qua các chương trình khuyến mãi hiệu quả và hấp dẫn.
Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết đoàn viên và là lễ hội lớn nhất Việt Nam. Thời điểm này trong năm, người lao động trở về quê hương để đón Tết cùng gia đình và bạn bè. Đây cũng là lễ hội điển hình trong lịch hoạt động của ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, khi mà doanh số tiêu dùng tăng cao hơn 12 - 15% so với thời điểm không có lễ hội và chiếm gần 20% tổng doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh của cả năm.
Các mặt hàng phổ biến trong dịp Tết là đồ uống, bia, bánh quy và bánh nướng, đồ ăn nhẹ, và cà phê, với mức tăng trưởng sản lượng từ 10 - 50% tùy loại.
Tuy nhiên, Nielsen cũng cho rằng dịch COVID-19 sẽ khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu. Ông Richard Thomas, Giám đốc bộ phận Intelligent Analytics, Nielsen IQ tại Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy quà tặng miễn phí và giảm giá trực tiếp là các chương trình khuyến mãi được tìm kiếm nhiều nhất. Do đó, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên lưu ý điều này khi hoạch định chiến lược khuyến mãi của mình.”
Còn theo bà Didem Sekerel Erdogan, Phó chủ tịch cấp cao khu vực APAC&APAC & EEMEA, Intelligent Analytics, NielsenIQ, các nhà sản xuất và bán lẻ thường đầu tư mạnh vào các chương trình khuyến mãi và giảm giá trong các dịp lễ hội như Tết Nguyên đán. Các chương trình kích cầu này, là một trong những cách hiệu quả nhất thúc đẩy doanh số, đôi khi có thể dẫn đến “lãng phí khuyến mãi” - khi mà các thương hiệu thua lỗ vì các chương trình khuyến mãi không hiệu quả.
Theo bà Sekerel Erdogan, không phải tất cả các chương trình khuyến mãi đều được tạo ra giống nhau. Không có một cách tiếp cận chung phù hợp cho tất cả thể loại khuyến mãi, vì người tiêu dùng sẽ phản ứng khác nhau đối với các chương trình khuyến mãi ở các ngành hàng khác nhau. Ví dụ: ở Trung Quốc, ngành hàng chăm sóc cá nhân như sữa rửa mặt và kem đánh răng có doanh số tăng hơn khi được khuyến mãi cùng nhau, điều này lại không đúng đối với ngành hàng thức ăn nhẹ, được tiêu thụ nhiều hơn khi giảm giá".
Vì vậy, để tối đa hóa khả năng bán hàng dịp lễ hội, các thương hiệu và nhà bán lẻ phải xem xét lại chiến lược khuyến mãi của mình và đảm bảo đang quảng bá đúng sản phẩm, sử dụng đúng cơ chế khuyến mãi và đúng giá để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua sắm Tết Nguyên đán.